1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Pakistan đứng trước nguy cơ trở thành "Sri Lanka thứ hai"

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại Pakistan có những điểm tương đồng với Sri Lanka thời điểm trước khi nước này vỡ nợ.

Pakistan đứng trước nguy cơ trở thành Sri Lanka thứ hai - 1
Giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực đã tăng chóng mặt tại Pakistan trong thời gian qua (Ảnh: AFP).

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ngày càng tồi tệ tại Pakistan đến từ những chính sách kinh tế thiếu hợp lý và các bất đồng chính trị tại quốc gia Nam Á này.

Tổng nợ nước ngoài của Pakistan đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một năm, từ mức 86 tỷ USD vào tháng 6/2021 lên mức 128 tỷ USD vào tháng 3/2022. Những khoản vay khổng lồ này đóng góp vào tỷ lệ nợ công đạt ngưỡng hơn 71% GDP của Pakistan và khiến quốc gia này đứng trước viễn cảnh phải chi trả 21 tỷ USD cho các chủ nợ quốc tế trong năm tài khóa này.

Khoản nợ nước ngoài khổng lồ cũng khiến giá trị của đồng rupee Pakistan tụt dốc không phanh. Điều này khiến giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng chóng mặt, đặc biệt là nhiên liệu. Thêm vào đó, việc đồng tiền trong nước mất giá dẫn đến nguy cơ thiếu ngoại tệ trầm trọng. Nếu điều này xảy ra, nguy cơ Pakistan đi vào vết xe đổ của Sri Lanka khi không có đủ ngoại tệ để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu cơ bản như lương thực và nhiên liệu là khó tránh khỏi.

Pakistan đứng trước nguy cơ trở thành Sri Lanka thứ hai - 2
Một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Karachi ở Pakistan hôm 9/7 (Ảnh: Getty).

Giống Sri Lanka, một phần lớn nợ nước ngoài của Pakistan đến từ Trung Quốc dưới hình thức những khoản đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng với tần suất dày đặc trong nhiều năm gần đây. Chính sách Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đã thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào nhiều dự án quan trọng của Islamabad, trong đó có dự án cảng nước sâu Balochistan ở phía Tây Nam nước này.

Tuy nhiên, tiến độ của CPEC đang diễn biến khá chậm so với kỳ vọng. Điều này khiến Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Pakistan trong nhiều năm qua, không hài lòng, dẫn đến việc thiếu những động thái quyết liệt nhằm hỗ trợ Islamabad giải quyết các khó khăn kinh tế đang gặp phải.

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế của Pakistan ở thời điểm hiện tại chính là bất ổn chính trị trong nội bộ quốc gia này, đặc biệt là sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị phế truất vào tháng 4.

Gần 3 tháng trôi qua, một giải pháp thống nhất cho các bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Á này vẫn chưa được thông qua. Chính phủ hiện tại của Thủ tướng Shehbaz Sharif hiện tại là một tập hợp của nhiều đảng phái với những quan điểm và mục tiêu hoàn toàn khác biệt về mặt kinh tế cũng như chính trị. Do đó, những đồng thuận về mặt chính sách cũng như sự ổn định chính trị nội bộ hiện đang là một điều "xa xỉ" trong nội bộ chính quyền Islamabad.

Pakistan đứng trước nguy cơ trở thành Sri Lanka thứ hai - 3
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif (Ảnh: AP).

Thủ tướng Shehbaz Sharif hiện vẫn đang nỗ lực đàm phán với các tổ chức quốc tế cũng như các chủ nợ nhằm huy động các gói cứu trợ cũng như những ưu đãi trong việc thanh toán các khoản vay tồn động. Tuy nhiên, những đề xuất của ông Sharif sẽ khó có thể được chấp nhận nếu Pakistan không thể tìm được một giải pháp toàn diện nhằm mang lại sự ổn định chính trị cho quốc gia này.

Việc không nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế sẽ đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế tại Pakistan trở nên tồi tệ hơn, và khả năng nước này trở thành một quốc gia vỡ nợ như Sri Lanka là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Foreign Policy, Lowy Institute, Outlook India