1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Zelensky đề xuất 3 bước châu Âu nên làm để Ukraine giành chiến thắng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất kế hoạch 3 bước mà ông cho rằng châu Âu nên làm để Kiev có thể thắng Nga trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua.

Ông Zelensky đề xuất 3 bước châu Âu nên làm để Ukraine giành chiến thắng  - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Tass).

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) tổ chức ở Moldova, Tổng thống Zelensky đã trình bày kế hoạch 3 bước ông đề xuất châu Âu nên làm để Ukraine có thể thắng Nga.

"Thứ nhất là bảo vệ (Ukraine) hoàn toàn khỏi Nga, chủ yếu là trên mặt đất, nhưng cũng trên bầu trời", ông nói, kêu gọi phương Tây viện trợ Ukraine máy bay chiến đấu và tổ hợp phòng không để Kiev đạt được lợi thế trên chiến trường.

Thứ 2, ông Zelensky cho rằng, thế giới nên cần rõ hơn về tham vọng của Nga với lãnh thổ của các nước khác. Ông cáo buộc việc Nga hiện diện quân sự ở vùng ly khai Transnistria của Moldova là một ví dụ.

Transnistria, vùng ly khai của Moldova nằm giáp Ukraine, từng là nơi đóng quân của Liên Xô trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi tách ra khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Transnistria để hỗ trợ những người ly khai từ năm 1993 tới nay.

Thứ 3 là phương Tây nên đồng ý Ukraine gia nhập NATO và EU, theo ông Zelensky.

"Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, cần có một lộ trình rõ ràng để kết nạp Ukraine vào liên minh và các đảm bảo an ninh cần được thông qua. Vào mùa thu, các cuộc đàm phán cũng nên bắt đầu tại EU (về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu)".

Tổng thống Zelensky dự đoán, về lâu dài, không chỉ Moldova và Gruzia mà cả Belarus sẽ có thể sẽ gia nhập EU.

Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO khi đang vướng vào cuộc xung đột với Nga.   

Mặc dù vậy, nhà ngoại giao Đức khẳng định rằng, cánh cửa NATO vẫn mở rộng cho những ứng viên tiềm năng của khối, bao gồm cả Thụy Điển cũng như Ukraine.

Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, Ukraine vẫn còn chưa thể thực hiện được nhiều tiêu chí để gia nhập NATO vào thời điểm hiện tại. Ông kêu gọi NATO hiện nên tập trung vào việc giúp đỡ Ukraine đối phó Nga.

Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, nhấn mạnh cơ chế phòng thủ tập thể của khối sẽ đảm bảo cho an ninh của Ukraine trước Nga.

Ngược lại, Moscow coi việc mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và viện dẫn nguyện vọng gia nhập liên minh của Ukraine là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột hiện tại.

Nga dừng thỏa thuận Biển Azov với Ukraine

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzi ngày 1/6 tuyên bố, nước này đã dừng hiệp ước Nga - Ukraine quản lý việc sử dụng chung Biển Azov và Eo biển Kerch. Theo ông Galuzi, Ukraine hiện không còn là quốc gia giáp những khu vực này. 

Quan chức Nga cho biết, sau khi Moscow giành quyền được khu vực giáp biển Azov từ tay Ukraine và sáp nhập Donetsk, Ukraine đã mất quyền kiểm soát với vùng biển này. 

Theo ông Galuzin, Verkhovna Rada (quốc hội Ukraine) đã bác bỏ hiệp ước này vào tháng 2, với luật liên quan có hiệu lực vào cuối tháng Ba. Ông cho rằng, Nga có cơ sở để chấm dứt hiệp ước một cách hợp pháp dựa trên các điều khoản được quy định bởi Công ước Viên về Luật điều ước năm 1969.

Theo European Pravda, Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm