1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump và Huawei trong cuộc chiến toàn cầu 5G

Trong khi đã bị một số nước cấm thiết lập mạng viễn thông thế hệ mới 5G trên lãnh thổ của họ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) đang nín thở chờ cú đánh mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tính đến giữa tháng 2, Ấn Độ và Ý vẫn có ý bật đèn xanh cho Huawei tham gia đấu thầu cung cấp mạng 5G; Anh, Canada và Đức bật đèn vàng; trong khi Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã bật đèn đỏ.

Ông Trump ra lệnh cấm trước 25/2?

Theo giới quan sát, Tổng thống Donald Trump có thể sắp ban lệnh cấm các công ty Trung Quốc bán thiết bị, công nghệ mạng 5G tốc độ cao cho phía Mỹ. Nhưng cuộc chiến thực tế chống Huawei đã nổ ra trên phạm vi toàn thế giới, hai cựu cố vấn tình báo Mỹ nói với Breaking Defense hôm 15/2 sau một cuộc họp báo tại Washington.

“Chúng tôi trông chờ một sắc lệnh tổng thống sớm được ban ra, chắc là trước khi Hội nghị Thế giới Di động diễn ra ở Barcelona ngày 25/2”, Andy Keiser, cựu cố vấn cấp cao Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói. Ông Keiser cùng với cựu đồng nghiệp Bryan Smith gần đây thực hiện nghiên cứu tại Viện An ninh quốc gia về nguy cơ của Huawei.

“Việc đó (cấm Huawei triển khai mạng 5G ở Mỹ) sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thị trường của chúng ta vì ở đây họ chỉ là một tay chơi nhỏ, nhưng sẽ gửi một thông điệp lớn tới toàn thể thế giới rằng họ không đáng tin”, ông Keiser nói. Quan chức và chuyên gia nhiều nước cáo buộc Huawei thực hiện hoạt động gián điệp thông qua thiết bị của họ.

Trong khi nước Anh vẫn “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, chưa quyết cấm hay cấp phép cho Huawei, bộ trưởng quốc phòng nước này Gavin Williamson  nói rằng, ông “quan tâm sâu sắc” về bất kỳ công nghệ nào của Huawei trong hệ thống 5G của Anh, BBC đưa tin.

“Các nước này (Anh, Canada, Đức…) là những thị trường khổng lồ. Họ sẽ ra quyết định trong 6-12 tháng tới”, ông Keiser nhận định.

Ông Trump và Huawei trong cuộc chiến toàn cầu 5G - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ban lệnh cấm Huawei, ZTE bán thiết bị, công nghệ mạng 5G cho phía Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Liên minh tình báo cũng chia rẽ

Theo các chuyên gia kinh tế và chính sách, vấn đề là ở chỗ các sản phẩm của Huawei rẻ hơn các hãng khác, một phần nhờ chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi và chiến thuật hàng bán câu khách (định giá một sản phẩm được bán với giá thấp hơn giá thị trường để kích thích doanh thu bán hàng hóa hoặc dịch vụ có lợi nhuận cao hơn). Không dễ thuyết phục một công ty hoặc một đất nước, đặc biệt những nước có thu nhập thấp từ bỏ các lợi ích rõ ràng, trước mắt (chi phí thấp) để phòng chống nguy cơ an ninh dài hạn, chưa rõ ràng.

Khi phóng viên hỏi Mỹ có nên trợ cấp các đối thủ cạnh tranh Huawei, ông Bryan Smith trả lời: “Không, chúng ta không đủ lực để cạnh tranh đối đầu về giá. Nhưng chúng ta có nhiều cách khác. Các nước khác muốn ở chúng ta một số thứ, vì vậy chúng ta mở rộng không gian thương mại để tạo động lực cho họ. Có thể là ra chính sách về visa H-1B (visa không định cư cho phép công ty Mỹ tuyển dụng nhân sự nước ngoài tới Mỹ làm việc lên đến 6 năm) hoặc vấn đề thương mại cụ thể nào đó”, ông Smith nói.

Vấn đề phức tạp đến nỗi ngay cả các đối tác của Mỹ trong liên minh tình báo Five Eye (ngũ nhãn-5 mắt), các đồng minh gần gũi nhất chia sẻ thông tin tình báo tuyệt mật, cũng đang chia rẽ. Úc và New Zealand đã cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng mạng 5G ở hai nước này. Nhưng Anh và Canada vẫn đang lưỡng lự. Hai nước này đã có nhiều phần cứng Huawei trong các hệ thống hiện hữu của họ.

Vấn đề Canada xem xét cấm hay cấp phép Huawei còn bị làm phức tạp thêm với lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ trả đũa lệnh cấm. Cơ quan an ninh Trung Quốc đã tạm giữ một số công dân Canada với những cáo buộc không rõ ràng, sau khi Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei. Bà Mạnh là con gái người sáng lập Huawei và rõ ràng là người kế nghiệp.

Ở bên kia Đại Tây Dương, chính phủ Anh yêu cầu Huawei cho phép Anh kiểm tra bất cứ thành phần nào mà Huawei bán ở Anh và hãng viễn thông Anh British Telecom đã cam kết không tích hợp công nghệ Huawei vào trong phần lõi của mạng 5G trong tương lai.

Ông Smith nói rằng, hai hệ thống phòng thủ này là không đủ. Công nghệ thông tin hiện đại rất phức tạp, được cập nhật thường xuyên, việc kiểm tra các thành phần độc lập hôm nay không thể tiết lộ cách thức chúng thực sự tương tác với toàn bộ hệ thống ngày mai. Một đặc điểm của mạng 5G là ranh giới giữa “phần lõi” và “phần rìa” bị xóa nhòa, phân cấp các tính năng chính để tăng hiệu suất nhưng ảnh hưởng các biện pháp anh ninh truyền thống dựa trên điều khiển trung tâm.

 

“Vấn đề với nguy cơ kiểu như Huawei là phần cứng và/hoặc phần mềm của họ đã nằm trong hệ thống của bạn, trong chu vi phòng thủ của bạn. Loại tấn công chuỗi cung ứng như vậy là loại tấn công khó chống đỡ nhất”, chuyên gia bảo mật Mỹ Jonathan Halstuch nói.

Sau khi làm việc tại các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Halstuch cùng sáng lập công ty bảo mật RackTop chuyên bán công nghệ mã hóa cao cấp để bảo vệ dữ liệu khách hàng dù chúng được lưu trong máy chủ của khách hàng hay của một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. “Với các mối nguy kiểu như Huawei thì vấn đề cốt lõi là họ ở đâu trong toàn bộ hệ thống?”, ông Halstuch nói.

Ông lấy một ví dụ đơn giản, nếu người dùng mã hóa dữ liệu trước khi một thành phần nào đó trong hệ thống như máy chủ (server), bộ định hướng (router) bị xâm nhập, thì dù dữ liệu bị đánh cắp, kẻ xấu cũng có thể không giải mã được, không hiểu được. Nhưng nếu kẻ xấu thực sự có phần cứng hoặc phần mềm trong thiết bị đầu vào của người dùng, họ có thể biết được người dùng gõ phím gì, ghi âm các cuộc gọi… trước khi dữ liệu được mã hóa.

Ông Trump và Huawei trong cuộc chiến toàn cầu 5G - 2

Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã cấm Huawei thiết lập mạng 5G ở nước họ. Ảnh: Global News.

Yếu tố quân đội, an ninh

Đó là lý do tại sao những nhân vật “diều hâu” về thế giới mạng nói rằng, không có gì bảo đảm an toàn cho Mỹ và các đồng minh nếu họ dùng sản phẩm Huawei trong các hệ thống của mình. Trong khi đó, Huawei luôn phủ nhận họ thực hiện các hoạt động gián điệp theo yêu cầu của cơ quan an ninh Trung Quốc, China Daily đưa tin. Báo chí nhà nước Trung Quốc không đề cập thông tin trên báo chí phương Tây rằng, nhiều lãnh đạo cấp cao của Huawei là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng làm việc trong quân đội.

“Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi bắt đầu sự nghiệp của mình trong quân đội Trung Quốc, là hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật thông tin của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trường này đào tạo các chuyên gia kỹ thuật của quân đội Trung Quốc về phòng thủ và tấn công mạng”, bà Elsa Kania, chuyên gia máy tính tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định. “Cựu chủ tịch Huawei, bà Tôn Ái Phương, từng làm việc cho Bộ An ninh, cơ quan tình báo số một của Trung Quốc, sau đó tận dụng các mối quen biết ở bộ để ủng hộ công ty”, bà Kania nói.

Ông Trump và Huawei trong cuộc chiến toàn cầu 5G - 3

CIA năm 2011 tuyên bố, bà Tôn Ái Phương, cựu chủ tịch Huawei, từng làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc và có mối quan hệ với quân đội nước này. Ảnh: Fortune.

Mặt trận lớn

Bộ Quốc phòng Mỹ bị cấm mua sản phẩm Huawei nhưng họ vẫn lo lắng vì dữ liệu thường phải đi qua các hệ thống của khu vực tư nhân. “Trên đất liền Mỹ, chúng tôi rất hiểu các mối nguy cơ là gì nhưng ở bên ngoài lục địa, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều, vì các hệ thống nằm trong tay các nhà cung cấp ở bên ngoài nước Mỹ”, ông Dana Deasy, giám đốc công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngày 29/1.

Nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ và đồng minh cho rằng, mối nguy không chỉ nằm ở việc Trung Quốc có thể do thám lưu lượng internet và điện thoại di động của các nước khác thông qua các sản phẩm “có vấn đề” của Huwei. Theo họ, Huawei là lính xung kích của Trung Quốc trong mặt trận tái thiết lập thông tin liên lạc toàn cầu bằng cách giới thiệu các công nghệ mới, đàm phán các tiêu chuẩn quốc tế và kiếm được lợi nhuận nhiều hơn rất nhiều do với dây chuyền lắp ráp đơn thuần cho Apple.

Các quan chức và chuyên gia cũng cho rằng, mặt trận đó là một phần của một mặt trận lớn hơn là Trung Quốc đang cố thay đổi trật tự thế giới do Washington dẫn dắt mà Bắc Kinh cho rằng đang chống lại họ, như đối đầu họ về vấn đề Tây Tạng, Đài Loan, biển Đông…

Chuyện gì sẽ đến với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE… nếu Mỹ thuyết phục được hầu hết các nền kinh tế lớn không cho họ xây dựng mạng 5G ở những nước này? “Họ có thể vẫn tồn tại và tăng trưởng vì thị trường viễn thông Trung Quốc lớn, phát triển nhanh”, ông Gregory Allen, chuyên gia tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận định. “Tuy nhiên, việc hạn chế hoặc trì hoãn tăng trưởng có ảnh hưởng lớn tới giá trị cổ phiếu của các công ty này”, ông nói.

Không chào đón Huawei là để bảo vệ an ninh và kinh tế các nước phương Tây. Sẽ có các công ty phương Tây tự mình thiết lập các mạng 5G với chi phí không quá cao, ông Allen nói.

Ông Trump và Huawei trong cuộc chiến toàn cầu 5G - 4

Lễ khai trương căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti (một nước nhỏ ở Đông Phi). Ảnh: STR.

Mỏ vàng dữ liệu

Ông Michael Bahar, cựu cố vấn tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói: “Dữ liệu là loại vàng thỏi mới hoặc dầu mỏ mới mà các nước trên thế giới đang cạnh tranh giành lấy. Giống như Anh sau đó là Mỹ giữ các tuyến đường biển rộng mở cho thương mại hơn 200 năm qua, giờ đây chúng ta cần giữ cho các tuyến đường biển toàn cầu rộng mở cho dữ liệu”.

 

Theo Đông Phong
Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm