1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump tuyên bố không gia hạn “tối hậu thư” cho TikTok

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump tuyên bố hạn chót để công ty Trung Quốc ByteDance bán hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ sẽ không được gia hạn.

Ông Trump tuyên bố không gia hạn “tối hậu thư” cho TikTok - 1

TikTok đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ - Trung. (Ảnh minh họa: Reuters)

“Hoặc TikTok sẽ phải đóng cửa, hoặc họ sẽ phải bán nó. Sẽ không có việc kéo dài hạn chót cho TikTok”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 10/9.

Hiện TikTok chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên. TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo TikTok sẽ phải đóng cửa vào ngày 15/9 trừ khi Microsoft hay một công ty nào khác mua lại ứng dụng này ở Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ nhận được một khoản tiền lớn từ thương vụ này.

Microsoft hồi tháng 8 xác nhận đang đàm phán với ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok, để mua lại ứng dụng này ở Mỹ và kỳ vọng có thể chốt thương vụ vào ngày 15/9. Microsoft có thể sẽ mời thêm một số nhà đầu tư Mỹ khác tham gia vào thỏa thuận mua bán này.

Các cuộc đàm phán giữa ByteDance và Mỹ nhằm tìm ra phương án phù hợp cho TikTok đã kéo dài suốt nhiều tháng. Quá trình đàm phán ngày càng trở nên cấp bách khi hạn chót do chính quyền Trump đặt ra sắp tới gần.

Wall Street Journal ngày 9/9 dẫn một nguồn tin cho biết ít nhất một trong các nhà đầu tư lớn của TikTok gần đây đã gặp đại diện của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để thảo luận về việc bảo mật dữ liệu.

Theo nguồn tin của Reuters, ByteDance đang đàm phán để bán các chi nhánh của TikTok ở Bắc Mỹ, Australia và New Zealand cho các doanh nghiệp, trong đó có tập đoàn Microsoft và tập đoàn Oracle của Mỹ. Các tài sản này ước tính có trị giá từ 25-30 tỷ USD.

Giới chức Mỹ cảnh báo cấm hoàn toàn ứng dụng TikTok của công ty Trung Quốc tại Mỹ do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, trong khi ứng dụng này thu hút hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, chủ yếu là giới trẻ.  

Tổng thống Trump yêu cầu ByteDance chấm dứt quyền kiểm soát đối với chi nhánh TikTok ở Mỹ do Washington lo ngại đây có thể là công cụ để doanh nghiệp Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng tại Mỹ. Ông Trump cũng ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance.

ByteDance nói rằng lý do mà Mỹ đưa ra không thỏa đáng và dọa sẽ đệ đơn kiện Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Mỹ và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross lên tòa án ở Los Angeles. TikTok cáo buộc Tổng thống Trump "chính trị hóa" vấn đề căng thẳng thương mại khi ban hành sắc lệnh buộc TikTok nhượng lại hoạt động ở Mỹ hoặc phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động.

TikTok khẳng định ứng dụng này không chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng cho chính quyền Trung Quốc. TikTok cho biết đã tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm bảo mật và đảm bảo dữ liệu an ninh của người dùng tại Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 8 tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại Mỹ, trong đó có vụ kiện của ByteDance nhằm vào chính quyền Trump.