1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump tung “lựu đạn ngoại giao” đầu tiên trước thềm thượng đỉnh G7

(Dân trí) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng ủng hộ Nga trở lại G7 được xem là động thái gây chú ý đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng trước khi hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào tuần tới tại Pháp.

Tổng thống Trump muốn Nga quay lại G7
Ông Trump tung “lựu đạn ngoại giao” đầu tiên trước thềm thượng đỉnh G7 - 1

Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Canada năm 2018. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/8 tuyên bố ông ủng hộ việc đưa Nga trở lại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sau khi Moscow bị tẩy chay và loại khỏi nhóm này. Động thái trên đã dự báo một phong cách ngoại giao “đi ngược số đông” của ông chủ Nhà Trắng tại hội nghị thượng đỉnh của G7 vào cuối tuần tới.

Đưa ra tuyên bố “gây sốc” chỉ 4 ngày trước khi đặt chân tới khu nghỉ dưỡng ven biển Biarritz của Pháp, sự ủng hộ của Tổng thống Trump dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin được xem là “quả lựu đạn ngoại giao” đầu tiên mà nhà lãnh đạo Mỹ ném vào G7 - câu lạc bộ của các đồng minh giàu có phương Tây.

“Tôi chắc chắn sẽ ủng hộ điều đó. Sẽ phù hợp hơn nhiều nếu có Nga tham gia. G7 nên là G8, vì có nhiều việc chúng ta cần phải làm với Nga”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Nga bị gạt khỏi G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014. Moscow cũng bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để ủng hộ ứng viên tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố có thể khiến các thành viên của G7 “nóng mặt”, ông Trump nói rằng Nga bị loại khỏi G8 vì cựu Tổng thống Barack Obama không thể đấu trí nổi với Tổng thống Putin.

Trước đây, các hội nghị thường niên của G7, quy tụ các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, thường là những sự kiện ít mâu thuẫn và đối đầu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi cho tới khi Tổng thống Trump xuất hiện.

Đi ngược số đông

Ông Trump tung “lựu đạn ngoại giao” đầu tiên trước thềm thượng đỉnh G7 - 2

 Các nhà lãnh đạo G7 họp tại Canada (Ảnh: Twitter/Japan PMO)

Tại hội nghị G7 ở Quebec, Canada năm ngoái, ông Trump đã phá bỏ nghi thức và rời đi trong sự giận dữ sau khi lời qua tiếng lại căng thẳng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau về vấn đề thương mại. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng từ chối ký vào tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị - một thông lệ từ nhiều năm nay của G7.

Robert Guttman, giám đốc Trung tâm Quan hệ đối ngoại và chính trị tại Đại học Johns Hopkins cảnh báo các nhà lãnh đạo G7 nên thận trọng, vì Tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục hành xử bất cẩn tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Pháp, với cương vị là nước chủ nhà, hy vọng có thể “cầm cương” ông Trump tốt hơn trong cuộc họp lần này. Một nhà ngoại giao Pháp đã nói với các phóng viên rằng, vai trò quan trọng truyền thống của tuyên bố chung sau các hội nghị G7 sẽ được giảm bớt, đồng thời cho rằng đây là cách để “tránh lặp lại tình huống đã xảy ra tại Canada hồi năm ngoái”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn G7 bàn về việc đối phó với tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Tuy nhiên, chủ đề này không nằm trong mối quan tâm của một nhà lãnh đạo có quan điểm đặt nước Mỹ lên trên hết như ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Khi Tổng thống Trump chỉ muốn hô khẩu hiệu “nước Mỹ, nước Mỹ” với các đồng minh, mối quan tâm duy nhất của ông trên trường quốc tế là liệu nước Mỹ có đang “giành chiến thắng” hay không.

Đối với Pháp, biến đổi khí hậu là nhân tố chính dẫn tới bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, ông Trump vẫn rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm giảm phát khải khí carbon. Tổng thống Mỹ phớt lờ việc các đồng minh coi hành động đó của ông là từ bỏ nỗ lực giải cứu thế giới.

Theo chuyên gia Guttman, ông Trump không quan tâm tới việc các đối tác G7 nghĩ gì. Thay vào đó, các cử tri ủng hộ mới là nhóm đối tượng mà ông Trump hướng tới.

“Ông Trump xuất hiện (tại G7) không phải với tư cách một nguyên thủ, mà là một chính trị gia đang nỗ lực để tái đắc cử”, Guttman nhận định.

Các nhà lãnh đạo G7, đặc biệt Thủ tướng Đức Angela Merkel, có thể sẽ chịu sức ép từ Mỹ về việc đóng góp tài chính cho NATO, tổ chức được xem là nền tảng cho an ninh xuyên Đại Tây Dương, khi Tổng thống Trump chỉ trích các nước này phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

6 nước thành viên còn lại của G7 sẽ phải nỗ lực để thuyết phục ông Trump linh hoạt hơn trong các vấn đề “nóng” hiện nay, bao gồm lập trường cứng rắn của Mỹ với Iran và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vốn có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu.

Tổng thống Trump ít nhất cũng có một người bạn mới tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Tân thủ tướng Anh Boris Johnson luôn hào hứng với sự ủng hộ của Mỹ, trong bối cảnh ông muốn thúc đẩy Anh vượt qua chặng đường rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.

Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại song phương lớn với Anh, và Nhà Trắng vẫn sử dụng “mồi nhử” này để thuyết phục Anh cấm cửa công ty viễn thông Huawei khổng lồ của Trung Quốc gia nhập thị trường 5G.

Ông Trump hôm qua một lần nữa lên tiếng khen ngợi Thủ tướng Johnson. Tuy nhiên, Tổng thống Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhận ra rằng, ngay cả mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Trump cũng chưa chắc đã đảm bảo một tình hữu nghị thuận buồm xuôi gió giữa các nước.

Tuy vậy, James Roberts, chuyên gia tại tổ chức Heritage Foundation, cho rằng thách thức chiến lược từ Nga và Trung Quốc buộc các đối tác G7 phải thích nghi với Tổng thống Trump, dù họ có muốn hay không.

“Họ không thích phong cách của Tổng thống Trump, nhưng họ không thể thay đổi thực tế chỉ vì họ không thích. Liên minh châu Âu không phải là siêu cường, nên họ vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ”, Roberts nhận định.

Thành Đạt

Theo AFP