1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump liên tục hứng chỉ trích vì sắc lệnh di trú

(Dân trí) - Hàng loạt quan chức cấp cao thế giới đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm nhập cư đối với 7 quốc gia Hồi giáo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sắc lệnh này bị cho là đi ngược lại những giá trị nhân văn của con người.


(Ảnh minh họa: Getty)

(Ảnh minh họa: Getty)

Một tuần kể từ khi ban hành sắc lệnh về di trú, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục vấp phải những chỉ trích gay gắt của cộng đồng thế giới. Trong một chỉ trích mới nhất, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói: “Các quốc gia có quyền, thậm chí có nghĩa vụ, phải quản lý một cách có trách nhiệm biên giới của họ để ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử khủng bố. Nhưng điều này không thể được thực hiện dựa trên sự phân biệt về tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch vì như vậy đồng nghĩa với việc chống lại các nguyên tắc và giá trị cơ bản tạo nên xã hội chúng ta”.

Ông Guterres cho rằng, việc ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo không phải là cách hiệu quả để ngăn chặn làn sóng khủng bố như lời thanh minh của Tổng thống Trump. Theo Tổng thư ký Guterres, sắc lệnh này “sớm muộn cũng phải dỡ bỏ”.

Tổng thống Trump hôm 27/1 đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp, theo đó tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước có đông dân theo đạo Hồi - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.

Trong khi đó, các chuyên gia tại Liên Hợp Quốc cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Trump là vi phạm quyền tự do của con người và rằng Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ nguyên tắc “bất khả hồi” hay nói cách khác không xua đuổi những người hưởng quyền lợi được bảo vệ, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo.

Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, nhấn mạnh việc công dân EU mang hai quốc tịch không bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo sắc lệnh này không có nghĩa là EU không phản đối gay gắt sắc lệnh. Bà Mogherini hối thúc Tổng thống Trump “chú ý tới những gì đang xảy ra ở chính đất nước của ông”.

Mặc dù vừa kết thúc chuyến thăm và hội đàm với Tổng thống Trump để khẳng định “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ, song Thủ tướng Anh Theresa May cũng thẳng thắn chỉ trích sắc lệnh của ông Trump là “sai lầm và gây chia rẽ”. Bà nhấn mạnh: “Nước Mỹ phải chịu trách nhiệm cho chính sách của mình về người tị nạn”. Trước đó, bà May tỏ ra khá hờ hững với vị thế “người ngoài cuộc” khi nói rằng đó là vấn đề của chính phủ Mỹ.

Trong khi giới lãnh đạo quốc tế lên tiếng chỉ trích sắc lệnh về di trú của chính quyền Tổng thống Trump, tại Mỹ, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra để phản đối sắc lệnh này. Các cơ quan thực thi sắc lệnh cũng tỏ ra khá hoang mang với quy định mới về nhập cư và tị nạn. Một số bang, trong đó có Massachusetts và Virginia, đã đồng loạt khởi kiện vì cho rằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump đã vi phạm Tu chính án thứ 10 của Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định rằng những quyền hạn không thuộc về chính quyền liên bang thì nên để chính quyền tiểu bang quyết định.

Minh Phương

Tổng hợp