1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump lập kỷ lục về các lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong nhiệm kỳ gần 4 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập kỷ lục về các lệnh trừng phạt. Giới phân tích cho rằng, nếu nhậm chức, ông Biden sẽ khó đảo ngược di sản này của ông Trump.

Ông Trump lập kỷ lục về các lệnh trừng phạt trong nhiệm kỳ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, trong gần 4 năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh trừng phạt với tần suất kỷ lục nhằm vào các công ty, cá nhân, thậm chí các tàu chở dầu có liên hệ với Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Venezuela và Nga.

Ông Biden, người được dự đoán sẽ nhậm chức tổng thống vào năm tới, cam kết sẽ xem xét lại toàn diện cách lệnh trừng phạt Mỹ đang áp. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng ông Biden có thể sẽ không đảo ngược một cách dứt khoát di sản này của ông Trump.

Khoảng 7 tuần trước ngày 20/1 - ngày ông Biden có thể nhậm chức, các lựa chọn của ông cho chính quyền tương lai đã nêu cho thấy quan điểm rằng các lệnh trừng phạt về kinh tế với các quốc gia vẫn là một công cụ hữu hiệu, mặc dù họ không hoàn toàn ủng hộ cách mà ông Trump sử dụng chúng.

Và dù ông Biden dường như muốn tách khỏi các chính sách mà ông Trump áp dụng, các chuyên gia và giới quan sát nhận định ông Biden vẫn có thể duy trì cách tiếp cận quyết liệt của ông Trump.

Trong 4 năm qua, với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết", đội ngũ của ông Trump đã liên tục ban hành các biện pháp thuế quan, kiểm soát nhập khẩu cứng rắn với các đối thủ và kể cả đồng minh của Mỹ.

3.900 lệnh trừng phạt

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã thực hiện hơn 3.900 hành động trừng phạt, theo công ty luật Gibson Dunn, đặc biệt vào năm 2018 khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Theo Bloomberg, trước đó chưa từng có chính quyền nào vượt qua mốc 700 hành động trừng phạt trong 1 năm.  

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông rất tự hào vì vai trò của cơ quan này trong việc thực hiện chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump. Ông Mnuchin cho rằng chính quyền ông Trump có những biện pháp rất hiệu quả nhằm ngăn Tehran dùng hàng tỷ USD để phát triển tên lửa hoặc "có các động thái tiêu cực tới khu vực".

Đội ngũ của ông Biden dù bày tỏ mong muốn có thể nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran nhưng họ cũng công khai rằng sẽ tiếp tục các lệnh trừng phạt chống lại chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng thách thức mà ông Biden phải đối mặt là các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện đã ở quy mô quá rộng và phức tạp tới mức chúng trở nên khó để thực hiện hoặc kiểm soát mà không gây tác dụng phụ với nền kinh tế Mỹ.

Có những ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền Trump đã sử dụng các biện pháp trừng phạt một cách thiếu kiểm soát khi cho rằng chúng sẽ xử lý mọi vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại.

Vì vậy, đội ngũ của ông Biden nói rằng nếu họ vẫn sử dụng đòn trừng phạt, các biện pháp này sẽ được thực hiện một cách hài hòa với với các quốc gia có cùng lợi ích và không chống lại họ.

Ông Adam Szubin, một cựu quan chức cấp cao ở Bộ Tài chính Mỹ cho hay: "Những gì tôi mong đợi là một chiến lược tổng thể hướng tới các liên minh và đối tác đa phương nhiều hơn. Bạn có thể sẽ chứng kiến một nỗ lực thiết lập mặt trận thống nhất và lên tiếng trước hành vi của Trung Quốc khi cần thiết".

Các chuyên gia về lệnh trừng phạt nói rằng chính sách của ông Trump có hiệu quả nhưng đôi khi để phục vụ mục đích quan hệ công chúng hơn là chính sách kinh tế.

Nhà cựu ngoại giao Mỹ Daniel Fried tin rằng ông Biden sẽ không giảm quy mô lệnh trừng phạt, mà sẽ giảm quy mô những động thái trừng phạt họ cho là bị sử dụng sai lầm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm