1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Bảo vệ di sản ngoại giao của chính quyền Trump

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du Trung Đông nhiều ngày, trong bối cảnh truyền thông Mỹ đã xướng tên người chiến thắng trong cuộc bầu cử là ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Chuyến thăm Trung Đông của ông Mike Pompeo được xem là nỗ lực cuối cùng trong việc bảo vệ thành quả ngoại giao của chính quyền Mỹ suốt 4 năm qua tại khu vực "nóng" bậc nhất thế giới - nơi mà nước Mỹ có nhiều ảnh hưởng.

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Bảo vệ di sản ngoại giao của chính quyền Trump - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNBC.

Hôm qua (21/11) (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ đã có các cuộc gặp với các nhà đàm phán của chính quyền Afghanistan và lực lượng Taliban tại Doha (Qatar). Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan đang diễn biến chậm chạp, trong khi bạo lực lại có chiều hướng gia tăng. Tại các cuộc gặp, nhà ngoại giao Mỹ đã kêu gọi hai bên Afghanistan giảm ngay bạo lực, đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình, khi mà Mỹ cũng đang thúc đẩy tiến trình rút quân khỏi Afghanistan. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây thông báo sẽ giảm số lượng quân nhân đóng tại Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 vào giữa tháng 1/2021.

Việc đưa các bên Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp, với thỏa thuận hòa bình lịch sử Mỹ - Taliban hồi tháng 2, được xem là một trong những thành quả ngoại giao lớn của Mỹ, giúp cường quốc số 1 thế giới bước những bước chân đầu tiên ra khỏi vũng lầy chiến tranh kéo dài gần 2 thập kỷ qua.

Trước khi thăm Qatar, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel. Tại 3 quốc gia Trung Đông này, Ngoại trưởng Mỹ đã có các cuộc gặp với giới lãnh đạo nước chủ nhà, trao đổi về những diễn biến ở khu vực và quốc tế, những nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở khu vực và kiềm chế căng thẳng thông qua đối thoại.

Đáng chú ý nhất, tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập tới Hiệp ước hòa bình Abraham, mới được ký giữa UAE và Israel, mở ra một giai đoạn mới của mối quan hệ hợp tác mới giữa Israel và thế giới Arab.

Trước đó, tại Israel, sau cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ đã lên đường tới thăm các khu định cư Israel ở Bờ Tây chiếm đóng và cao nguyên Golan. Đến thăm các khu định cư Bờ Tây, ông Pompeo đã công bố các quy định mới, rằng các sản phẩm được sản xuất tại đây và xuất khẩu sang Mỹ sẽ được gắn mác “Made in Israel”, thay vì bị phân biệt như trước đây. Điều này củng cố hơn nữa việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không còn coi các khu định cư chiếm đóng ở Bờ Tây là vi phạm “luật pháp quốc tế” nữa.

Còn với Cao nguyên Golan – nơi Israel chiếm đóng của Syria năm 1967, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định: “Khi đứng ở đây và hướng tầm mắt sang bên kia biên giới, chúng ta không thể phủ nhận điểm trọng tâm mà Tổng thống Trump đã công nhận, cũng là điều mà các Tổng thống tiền nhiệm đã từ chối làm. Đây là một phần của Israel”.

Chính phủ Syria đã lên án ngay lập tức chuyến thăm Golan “đầy khiêu khích” của Ngoại trưởng Mỹ; trong khi chính phủ Palestine cho rằng chuyến thăm tới các khu định cư Israel chiếm đóng ở Bờ Tây của Ngoại trưởng Mỹ đồng nghĩa với việc Washington đang tham gia vào quá trình chiếm đóng.

Chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump thực tế đã có nhiều thay đổi, thậm chí là đảo ngược so với các chính quyền tiền nhiệm. Bất chấp một số tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ cũng như những vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế; Mỹ đã để lại cho khu vực di sản lớn nhất trong nhiệm kỳ 4 năm qua chính là mối quan hệ giữa Israel và thế giới Arab đang được cải thiện và cuộc chiến Afghanistan đang dần tới hồi kết.