1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump đã "gật đầu" vụ trục xuất 60 quan chức Nga như thế nào?

(Dân trí) - Vài ngày trước khi Mỹ quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao bị nghi là tình báo của Nga, một số người cả trong và ngoài chính quyền Tổng thống Donald Trump biết chính xác ông sẽ hành động thế nào.


Tổng thống Trump được trình 3 phương án đáp trả Nga về vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tổng thống Trump được trình 3 phương án đáp trả Nga về vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh. (Ảnh minh họa: Reuters)

Giới chức tình báo Mỹ ban đầu tin rằng Tổng thống Trump có thể phản đối đề xuất đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle. Trong các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ không muốn trục xuất các điệp viên Nga nếu những nước khác không hành động như vậy.

Tuy nhiên, vào ngày 23/3, nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã trình lên Tổng thống Trump 3 phương án phân chia thành 3 bậc “Nhẹ - Trung bình - Nặng”.

Theo đó, phương án “Nhẹ” là trục xuất khoảng 30 nhà ngoại giao Nga nhưng không đả động đến lãnh sự quán Nga ở Seattle. Phương án “Trung bình” là trục xuất 48 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Washington cùng 12 quan chức phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc và đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle. Giới chức Mỹ từ chối tiết lộ về phương án “Nặng”.

Quyết định cuối cùng của ông Trump là trục xuất 60 nhà ngoại giao bị nghi ngờ là tình báo của Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga (phương án “Trung bình”).

“Nếu chúng ta mạnh tay và Nga đáp trả, chúng ta sẽ bị giới hạn phương án đối phó về sau. Nhưng với phương án trung bình, chúng ta vẫn có thể đưa ra một cứ đấm mạnh và Tổng thống đã bị thuyết phục bởi lý lẽ đó”, một quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump cho biết.

Sau khi lựa chọn của Nhà Trắng đã rõ ràng, các quan chức Mỹ trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan bắt đầu gọi điện cho các lãnh đạo nước ngoài và nhận được cam kết trục xuất nhà ngoại giao Nga từ phía các đồng minh.

Về phía các đồng minh, một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết: “Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu rằng (Mỹ) sắp tuyên bố trục xuất, nhưng con số trục xuất khiến chúng tôi bất ngờ. Nó quá cao”.


Lãnh sự quán Nga tại Seattle (Ảnh: NBC)

Lãnh sự quán Nga tại Seattle (Ảnh: NBC)

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump dường như dịu giọng hơn với Nga, nhưng một vài lần ông vẫn đưa ra những hành động cứng rắn chống lại Nga theo cố vấn của trợ lý. “Điều này phù hợp với chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với Nga. Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện những biện pháp mà chính quyền Obama không sẵn sàng làm, chẳng hạn như cung cấp tên lửa chống tăng cho Ukraine. Tổng thống có thể không thích điều đó nhưng ông ấy sẵn sàng nghe theo các cố vấn", John Herbst, một học giả Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao Nga lớn nhất kể từ năm 1986 khi chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trục xuất 55 quan chức Nga. Năm 2001, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush trục xuất 50 nhà ngoại giao Nga.

Quyết định trục xuất đưa ra sau khi các nước phương Tây cáo buộc Nga có liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3. Nga đến nay đã bác bỏ mọi cáo buộc và đáp trả bằng việc trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St.Petersburg.

Minh Phương

Theo Washington Post