1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump có thể lệnh quân đội Mỹ dập tắt bạo loạn?

(Dân trí) - Đạo luật chống Bạo động có thể là cơ sở pháp lý để Tổng thống Donald Trump triển khai quân đội thường trực dập tắt các cuộc bạo loạn đang diễn ra trên khắp nước Mỹ.

Ông Trump có thể lệnh quân đội Mỹ dập tắt bạo loạn? - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump ngày 1/6 tuyên bố có thể kích hoạt Đạo luật chống Bạo động từ năm 1807 và triển khai quân đội thường trực để trấn áp các cuộc biểu tình đang diễn ra trên nhiều đường phố Mỹ.

Các cuộc biểu tình đang diễn ra tại ít nhất 140 thành phố ở Mỹ nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc sau vụ George Floyd - người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát ghì đầu tới chết hôm 25/5.

Ông Trump cho biết việc triển khai quân đội nhằm phá vỡ Antifa - tổ chức bị ông chủ Nhà Trắng cho là đứng sau các cuộc nổi loạn bạo lực dẫn tới các vụ cướp phá tại Mỹ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng động thái này cũng có thể sẽ dập tắt luôn các cuộc biểu tình ôn hòa đòi công lý cho George Floyd.

Theo CNN, quyết định của Tổng thống Trump đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý của Đạo luật chống Bạo động, vốn được sử dụng phổ biến trong thập niên 1950 để chống phân biệt chủng tộc. Tới thập niên 1960, luật này tiếp tục được sử dụng để đối phó các cuộc bạo loạn tại Detroit.

“Kể từ phong trào dân quyền trong thập niên 1960, luật này hiếm khi được sử dụng”, báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ cho biết.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Đạo luật chống Bạo động chưa được kích hoạt kể từ năm 1992 trong các cuộc bạo loạn tại Los Angeles, sau vụ 4 cảnh sát da trắng đánh hội đồng công dân da màu tên Rodney King nhưng vẫn được tha bổng.

Quốc hội Mỹ đã sửa đổi luật sau cơn bão Katrina năm 2006 để làm rõ thêm các thông tin liên quan tới việc sử dụng luật trong các trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên. Tuy nhiên, những thay đổi này bị hủy bỏ một năm sau đó do sự phản đối của các thông đốc bang.

Hiến pháp Mỹ quy định các thống đốc bang có thẩm quyền duy trì trật tự trong bang của mình. Nguyên tắc này được phản ánh trong Đạo luật Posse Comitatus, trong đó cấm quân đội liên bang tham gia vào việc thực thi pháp luật tại một bang.

Rào cản với Tổng thống Trump

Người biểu tình đập phá cửa hàng tại New York

Tổng thống Trump cho biết nếu các thống đốc bang không hành động theo chỉ đạo của ông, ông sẽ huy động quân đội để ứng phó biểu tình.

“Nếu các thành phố hoặc các bang từ chối hành động cần thiết để bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”, ông Trump tuyên bố.

Tuy nhiên, Đạo luật chống Bạo động cũng đặt ra một số rào cản cho Tổng thống Trump nếu ông muốn thực thi. Một phần của luật quy định rằng, tổng thống trước hết phải nhận được yêu cầu giúp đỡ từ các bang. Trong khi đó, các phần khác của luật không yêu cầu thống đốc hoặc cơ quan lập pháp của bang phải đồng ý với đề nghị của tổng thống, ngay cả khi tổng thống xác định tình hình hỗn loạn tại một bang khiến việc thực thi luật pháp không thể thực hiện, hoặc khi các quyền của công dân bị tước bỏ.

“Cả về mặt lịch sử và thực tế, đề nghị (của bang) không phải là điều kiện tiên quyết để tổng thống sử dụng quân đội liên bang phục vụ cho việc thực thi pháp luật trong nước”, Stephen Vladeck, giáo sư luật tại Đại học Texas, nhận định.

Có một vài trường hợp tổng thống Mỹ vẫn triển khai quân đội bất chấp sự phản đối của các thống đốc bang như Tổng thống Dwight Eisenhower từng kích hoạt Đạo luật chống Bạo động liên quan tới Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arkansas.

Theo Robert Chesney, giáo sư về luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas, Tổng thống Trump vẫn có thể điều động quân đội mà không cần sự chấp thuận của thống đốc bang.

“Luật đưa ra một kịch bản là tổng thống cần có sự chấp thuận của thống đốc bang hay cơ quan lập pháp bang mới được triển khai quân đội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không cần thiết phải có sự chấp thuận đó”, Reuters dẫn lời giáo sư Chesney cho biết.

Mặc dù vậy, Thaddeus Hoffmeister, giáo sư luật tại Đại học Dayton, nói rằng khi Đạo luật chống Bạo động được kích hoạt, các tổng thống và các thống đốc bang tại Mỹ thường nhất trí với nhau về sự cần thiết của việc triển khai quân đội.

Năm 2005, cựu Tổng thống George W. Bush từng quyết định không kích hoạt Đạo luật chống Bạo động để điều quân đội thường trực tới bang Louisiana sau cơn bão Katrina vì thống đốc bang này không đồng ý.

Giáo sư Chesney cho biết “rất khó xảy ra” một thách thức pháp lý để ngăn Tổng thống Trump sử dụng Đạo luật chống Bạo động. Các toà án thường rất miễn cưỡng khi thông qua quyết định triển khai quân đội của tổng thống.

Một số thống đốc nhanh chóng phản đối ý định của Tổng thống Trump.

“Tôi phản đối lập luận cho rằng chính phủ liên bang có thể đưa quân đội tới bang Illinois. Thực tế cho thấy tổng thống đã tạo ra cuộc bạo loạn tại đây. Ông ấy muốn chuyển hướng chủ đề từ sự thất bại của ông ấy trong việc ứng phó với Covid-19, một thất bại thảm hại, cho đến thời điểm hiện tại khi tình trạng bất ổn xảy ra do sự bất công đối với George Floyd. Ông ấy muốn tạo ra một chủ đề khác và tự cho mình là tổng thống của luật lệ và trật tự”, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker nói.

Thành Đạt

Tổng hợp