Ông Trump bị "cô lập" trong những ngày cuối nhiệm kỳ
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ những người muốn phế truất ông sau khi xảy ra cuộc bạo loạn tại tòa nhà quốc hội tuần này.
Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski của bang Alaska ngày 8/1 đã trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên của đảng Cộng hòa hối thúc Tổng thống Donald Trump từ chức, sau khi ông chủ Nhà Trắng kêu gọi những người ủng hộ tập trung tại thủ đô Washington DC để phản đối chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Đảng Dân chủ cũng đang ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch luận tội Tổng thống Trump với lý do "kích động bạo loạn". Trợ lý chủ tịch Hạ viện Mỹ Katherine Clark cho biết, các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện sẵn sàng tiến hành các thủ tục luận tội Tổng thống Trump, có thể vào đầu tuần tới.
Các thành viên đảng Dân chủ cho biết tập hợp được hơn 170 chữ ký ủng hộ luận tội Tổng thống Donald Trump vì "xúi giục bạo loạn".
Phe Dân chủ kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence tập hợp sự ủng hộ của các thành viên nội các để kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump "ngay lập tức", ngay cả khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn chưa đầy 2 tuần. Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống và nội các tuyên bố tổng thống không có khả năng thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse cho biết ông sẽ xem xét bỏ phiếu phế truất Tổng thống nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua luận tội ông Trump.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Charles Schumer đang hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để buộc ông Trump rời Nhà Trắng sớm. Khi đó, phó tổng thống lập tức trở thành quyền tổng thống.
"Nếu Tổng thống không nhanh chóng và tự nguyện rời nhiệm sở, quốc hội sẽ hành động", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết.
Tổng thống Trump dường như đang ngày càng bị cô lập. Các đồng minh quay lưng với ông và rất ít tiếng nói bảo vệ ông. Nhiều quan chức trong chính quyền Trump từ chức trong tâm trạng bất mãn, đổ lỗi cho Tổng thống kích động bạo loạn.
Theo The Hill, cơn giận dữ của các nghị sĩ ngày càng tăng lên khi họ nhìn vào vai trò của Tổng thống Trump trong cuộc bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm quốc hội Mỹ đang họp để xác nhận kết quả bầu cử và công bố tổng thống đắc cử.
"Tôi muốn ông ấy từ chức. Tôi muốn ông ấy rời văn phòng. Ông ấy đã gây ra đủ thiệt hại", Thượng nghị sĩ Murkowski kêu gọi.
Tính đến ngày 8/1, ít nhất 8 quan chức trong chính quyền Mỹ, bao gồm 2 thành viên trong nội các của ông Trump, đã từ chức sau khi xảy ra cuộc bạo loạn. Một số người vẫn chọn ở lại, chờ tới ngày ông Trump rời nhiệm sở.
Khảo sát: Hơn nửa dân Mỹ muốn ông Trump bị phế truất
Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận toàn quốc do Reuters và Ipsos thực hiện trong 2 ngày 7-8/1, 57% người dân Mỹ được hỏi nói rằng họ muốn Tổng thống Trump bị phế truất ngay lập tức.
Gần 70% số người tham gia khảo sát nói rằng họ không tán thành hành động của Tổng thống Trump trước vụ bạo loạn tại quốc hội. Tại sự kiện mít tinh hôm 6/1, ngày xảy ra bạo loạn, Tổng thống Trump đã kêu gọi hàng nghìn người ủng hộ ông tuần hành đến tòa nhà quốc hội.
Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên án vụ bạo loạn khiến một cảnh sát và 4 người biểu tình thiệt mạng ở tòa nhà quốc hội. Các thành viên của đảng Dân chủ tại Hạ viện dự kiến xem xét bãi nhiệm ông Trump lần hai vào ngày 11/1.
Phản ứng của công chúng Mỹ đối với Tổng thống Trump phân chia theo đảng phái. Phần lớn người Mỹ lên án vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội, tuy nhiên những lời kêu gọi phế truất ông Trump chủ yếu đến từ đảng Dân chủ.
9/10 thành viên của đảng Dân chủ được hỏi nói rằng, họ muốn ông Trump rời nhiệm sở trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối tháng này, trong khi tỷ lệ này ở đảng Cộng hòa chỉ là 2/10 người.
Khoảng 30% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Trump nên bị bãi nhiệm theo Tu chính án thứ 25. 14% nói rằng quốc hội Mỹ nên xem xét phế truất ông Trump, trong khi 13% cho biết ông Trump nên từ chức.