1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Putin: Ukraine là "vấn đề sống còn" với Nga

Quốc Đạt

(Dân trí) - Trong bài phát biểu được phát sóng ngày 18/2, Tổng thống Vladimir Putin nói các diễn biến trên chiến trường Ukraine là vấn đề "sống còn" đối với Nga và có thể quyết định số phận của nước này.

Ông Putin: Ukraine là vấn đề sống còn với Nga - 1

Tổng thống Vladimir Putin nói các diễn biến trên chiến trường Ukraine là vấn đề "sống còn" đối với Nga (Ảnh: AFP).

"Tôi nghĩ điều quan trọng đối với bản thân chúng ta, và thậm chí còn quan trọng hơn đối với thính giả và người xem ở nước ngoài, là hiểu được cách suy nghĩ của chúng ta", ông Putin nói khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước VGTRK.

"Đối với phương Tây, mọi thứ đang diễn ra trên mặt trận Ukraine chỉ là sự cải thiện vị trí chiến thuật, nhưng đối với chúng ta, đó là số phận của mình, đó là vấn đề sống còn. Tôi muốn người ta lắng nghe cuộc phỏng vấn này và nhận ra điều đó", ông Putin nói.

Tổng thống Nga đưa ra bình luận trên khi đang trả lời câu hỏi liên quan tới cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ mà ông dành cho người dẫn chương trình Mỹ Tucker Carlson.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, ông Putin đã nói rất nhiều về lịch sử nước Nga và liên tục đặt câu hỏi về tư cách nhà nước của Ukraine, khiến cả Kiev và phương Tây phẫn nộ.

"Đối với thính giả và khán giả phương Tây, điều đó không dễ dàng. Đặc biệt là với người Mỹ", ông Putin nói khi được hỏi về những lần ông giảng giải lịch sử trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Carlson. "Lịch sử Mỹ có hơn 300 năm mà tôi bắt đầu nói từ năm 862, nên tôi nghĩ khán giả Mỹ không dễ gì hiểu được".

Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine là cuộc chiến sinh tồn của Nga trước điều mà họ coi là sự mở rộng của NATO và phương Tây tới sát biên giới nước này.

Ông Putin: Ukraine là vấn đề sống còn với Nga - 2

Ước tính phần trăm lãnh thổ Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga, tính tới tháng 1, theo Viện Brookings của Mỹ (Đồ họa: Brookings).

Ông Putin cũng từng dùng cụm từ "vấn đề sống còn" trong bài phát biểu tuyên bố mở màn "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

"Đối với Mỹ và đồng minh, đây được gọi là chính sách ngăn chặn Nga với những lợi ích địa chính trị rõ ràng. Và đối với đất nước chúng ta, đây rốt cuộc là vấn đề sống chết, vấn đề tương lai lịch sử của chúng ta với tư cách là một dân tộc", Tổng thống Nga nói khi ấy.

Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ việc Nga đưa quân vào Ukraine và kêu gọi lập tức chấm dứt xung đột. Quan chức Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các tiến trình hòa bình để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.

Vào tháng 3/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, với số phiếu từ 141-5, trong đó Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea bỏ phiếu chống.

Cuộc xung đột Ukraine đã kéo dài gần 2 năm mà chưa có dấu hiệu sắp đến hồi chấm dứt. Ngược lại, cả 2 bên dường như đều đang chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài.

Nga đã gia tăng đáng kể quy mô sản xuất quốc phòng của mình, bao gồm sản xuất pháo binh và xe bọc thép. Và theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh, Nga có thể duy trì mức độ chiến sự hiện tại ở Ukraine thêm tới 3 năm nữa.

Giữa lúc viện trợ quân sự phương Tây dao động, Ukraine cũng có động thái hướng tới tự chủ sản xuất một số trang bị, khí tài cần thiết cho chiến sự như UAV, đạn pháo...

Theo TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm