Ông Putin ký sắc lệnh quân sự mới, Nga chuẩn bị cho cuộc chiến với NATO?
(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng các sắc lệnh quân sự mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin là dấu hiệu cho thấy Moscow có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn với NATO.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/2 đã ký sắc lệnh tổ chức lại cơ cấu quân đội Nga. Sắc lệnh bãi bỏ Quân khu phía Tây và Bộ Tư lệnh Chiến lược chung Hạm đội phương Bắc, thường được gọi là Quân khu phía Bắc. Thay vào đó, sắc lệnh chỉ thị thành lập Quân khu Leningrad và Quân khu Moscow.
Quân khu phía Tây, có trụ sở chính tại St. Petersburg, được thành lập vào năm 2010 trong quá trình sáp nhập các quân khu Moscow và Leningrad. Trong khi đó, quân khu phía Bắc được thành lập vào năm 2014.
Nhu cầu tái lập Quân khu Moscow và Leningrad lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đề cập vào tháng 12/2022. Thời điểm đó, ông cho rằng động thái này là cần thiết để chống lại những thách thức mới mà đất nước đang phải đối mặt, cụ thể là việc mở rộng NATO đến Phần Lan và Thụy Điển.
Nga từ lâu coi việc liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt mở rộng hiện diện về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Moscow cũng nói rằng, đây là một trong những lý do khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng Ukraine.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin còn đưa 4 vùng sáp nhập từ Ukraine (Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk) vào Quân khu phía Nam của Nga. Moscow sáp nhập các vùng trên vào cuối năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Đến nay, Nga vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh này. Ukraine và phương Tây cũng không công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với các vùng nói trên.
"Việc bao gồm cả khu vực bị kiểm soát và không bị kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine cho thấy thêm rằng Nga duy trì các mục tiêu tối đa ở Ukraine và tìm cách sáp nhập hoàn toàn cả 5 vùng lãnh thổ này (bao gồm Crimea) tại Ukraine vào Liên bang Nga", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định.
Trong khi đó, theo ISW, việc tái lập Quân khu Moscow và Leningrad sẽ "hỗ trợ các mục tiêu song song là củng cố quyền kiểm soát các hoạt động của Nga ở Ukraine trong thời gian từ ngắn hạn đến trung hạn, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra nhằm chống lại NATO về lâu dài".
Nhà phân tích quân sự Nga Yury Fedorov từng nhận định rằng, việc xây dựng lại quân khu Leningrad cho thấy Nga đang chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra với các nước vùng Baltic và NATO.
Quân khu Leningrad, đóng gần thành viên mới của NATO là Phần Lan và các nước vùng Baltic, là thành phần chủ chốt của lực lượng vũ trang Nga, có nhiệm vụ giám sát một phần chiến lược phòng thủ quốc gia ở khu vực phía tây Nga. Phần Lan có chung đường biên giới với Nga.
Gần đây, giới chức phương Tây bắt đầu lo ngại về viễn cảnh Nga giành chiến thắng ở Ukraine và có thể tấn công vào lãnh thổ NATO.
Báo Bild tháng trước đưa tin, Bộ Quốc phòng Đức đang lên kế hoạch hành động cho tình huống Nga tấn công một quốc gia NATO sau khi chiến thắng ở Ukraine. Một nguồn tin tình báo châu Âu đánh giá, Nga có thể tấn công châu Âu vào mùa đông năm 2024-2025.
Tổng thống Pháp ngày 26/2 tuyên bố, châu Âu cần chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga trong những năm tới và cần nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ Ukraine.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev khẳng định Moscow không có kế hoạch phát động một cuộc xung đột với NATO hay các nước Liên minh châu Âu (EU) ngay cả khi phương Tây liên tục đề cập đến vấn đề đó.
Mặt khác, ông Medvedev nêu rõ, nếu xung đột toàn diện nổ ra giữa Nga và NATO, Moscow sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài triển khai hạt nhân.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đang chiếm thế thượng phong trên chiến trường Ukraine. Quân đội Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Avdiivka, thành trì của Kiev ở miền Đông.