Ông Putin cảnh báo phương Tây hậu quả nghiêm trọng nếu áp trần giá dầu
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ gánh "hậu quả nghiêm trọng" nếu phương Tây áp trần giá đối với dầu Nga.
"Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng những hành động như vậy (áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga) đi ngược lại các nguyên tắc về quan hệ thị trường và rất có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu", Điện Kremlin dẫn lại nội dung trao đổi trong cuộc điện đàm của nhà lãnh đạo Nga với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani.
Điện Kremlin cho biết thêm, hai bên cũng nhấn mạnh lại những nỗ lực của 2 nước nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu trước những biến động hiện nay.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang thảo luận phương án áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga, nhằm gây sức ép với Moscow. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 24/11 cho hay, các thành viên của khối đang thảo luận gói trừng phạt thứ 9 với Nga và sẽ sớm thông qua biện pháp áp trần giá dầu Nga với nhóm G7 và các đối tác lớn khác.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, Washington và các đồng minh dự kiến hoàn tất kế hoạch áp trần giá dầu Nga "trong vài ngày tới" trong nỗ lực làm giảm nguồn thu quan trọng của Moscow.
Một quan chức Mỹ tiết lộ việc điều chỉnh giá trần sẽ diễn ra "vài lần một năm" thay vì hàng tháng như ý tưởng ban đầu. Việc áp giá trần sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới nhưng cho đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn chưa thống nhất con số cụ thể.
Hồi tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 8 với Nga, trong đó không chỉ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển, mà còn ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và dịch vụ liên quan kể từ ngày 5/12.
Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc áp trần giá dầu, trang ABC News dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu mức giá trần dao động từ 65-70 USD/thùng, Nga vẫn có thể bán dầu và duy trì lợi nhuận như hiện tại. Thực tế, dầu thô của Nga đang giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent trên thị trường quốc tế.
Nếu mức trần thấp hơn, khoảng 50 USD/thùng, khi đó Nga sẽ khó khăn hơn trong việc cân đối ngân sách bởi để làm được điều này, Moscow cần giá dầu duy trì trong khoảng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất ước tính 30-40 USD/thùng của Nga, do đó Moscow có thể vẫn chấp nhận bán dầu để tránh thiệt hại lớn hơn.
Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ việc áp trần giá dầu và cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho bất cứ nước nào áp dụng trần giá. Một số chuyên gia cũng dự đoán, ngoài các biện pháp đáp trả, không loại trừ khả năng Moscow sẽ tìm cách lách lệnh trừng phạt của phương Tây như thay đổi nguồn gốc của dầu khi xuất khẩu.
Hiện tại, để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, đã chuyển hướng nguồn cung sang Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường châu Á khác với giá chiết khấu.