1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga có cách hóa giải "vũ khí" của G7 nhằm vào dầu thô

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chức Mỹ và chuyên gia nhận định, Nga hoàn toàn có cách để đối phó với việc G7 áp giá trần với dầu thô Moscow.

Nga có cách hóa giải vũ khí của G7 nhằm vào dầu thô - 1

Nhà máy dầu ở Nizhnekamsk, Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ và giới quan sát nhận định, Nga có đủ cách tiếp cận để vận chuyển phần lớn dầu của nước này mà có thể bỏ qua đòn giá trần của G7. Nhận định này cho thấy một thực tế rằng "vũ khí" của phương Tây nhằm vào mặt hàng chủ lực của Moscow vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Nhóm 7 nền công nghiệp lớn hàng đầu thế giới tháng trước đã đồng thuận sẽ áp trần giá dầu thô Nga từ ngày 5/12, trong bối cảnh các chuyên gia lo ngại động thái này có thể làm tê liệt thương mại toàn cầu.

Mục tiêu của G7 là sẽ chỉ mua dầu Nga ở mức giá cố định, với mong muốn có thể khiến Nga sụt giảm doanh thu từ dầu thô để thiếu ngân sách cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn đảm bảo Moscow có lãi ở mức thấp để vẫn tiếp tục sản xuất dầu.

Mỹ đã dành nhiều tháng để trao đổi với các công ty bảo hiểm, vận tải, thương mại để thuyết phục họ thực hiện việc áp trần giá dầu Nga. Tuy nhiên, giờ đây, các bên đều nhận ra là Nga hoàn toàn có thể hóa giải biện pháp này bằng chính đội tàu và các dịch vụ phụ trợ của Moscow.

Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, khoảng 80-90% dầu của Nga dự kiến vẫn sẽ lưu thông bình thường, ngoài giới hạn áp giá của G7.

Nga đã tuyên bố sẽ ngừng cấp năng lượng cho các bên áp dụng các biện pháp phi thị trường với hàng hóa của họ.

Việc bị áp giá trần có thể tạo ra các khó khăn về tài chính và kỹ thuật với Nga, nhưng cũng có nguy cơ làm sụt giảm 1-2% nguồn cung dầu thô toàn cầu trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng và khủng hoảng đang xảy ra ở nhiều nước.

Giới chức Mỹ cũng nắm được thông tin rằng, một số tàu dầu sẽ thay đổi quốc gia đăng ký, đưa các công ty thương mại ra bên ngoài phạm vi của G7 để lách qua biện pháp áp giá trần.

Nga sẽ phải chịu thêm chi phí cho các chuyến hàng vận tải đi xa hơn, cũng như phí bảo hiểm và tài chính. Điều này khiến Mỹ tin rằng, Nga cuối cùng sẽ phải chấp nhận bán dầu theo giá trần.

Tuy nhiên, thách thức của phương Tây là rất lớn trong việc thuyết phục 2 khách hàng lớn của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này đã mua dầu của Nga với giá giảm mạnh trong những tháng gần đây và đều chưa ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu của Moscow.

Mỹ nhận định, đòn áp giá trần sẽ khiến Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua được dầu giá rẻ của Nga.

Chuyên gia vận tải Andrea Olivi nhận định rằng, về mặt lý thuyết, Nga vẫn tiếp cận được với đủ số lượng tàu vận tải để dầu của Nga vẫn có thể lưu thông sau ngày 5/12. Các tàu này có thể tự bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm của công ty Nga P&I.

Ngân hàng JP Morgan cho rằng, tác động của việc đặt giá trần là hạn chế, và Nga có thể gần như bỏ qua hoàn toàn bằng việc sử dụng các tàu của Ấn Độ, Trung Quốc và của chính Moscow để vận tải dầu. Xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ giảm nhẹ sau khi G7 áp giá trần lên mặt hàng này.

Mặt khác các chuyên gia cảnh báo, việc áp trần giá dầu Nga có thể khiến phương Tây chịu hiệu ứng ngược khi giá năng lượng có nguy cơ tăng vọt sau khi biện pháp trên được thực thi.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm