Ông Jean-Marc Ayrault được chỉ định làm Thủ tướng Pháp
(Dân trí) – Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức tân Tổng thống Pháp trong một buổi lễ được tổ chức đơn giản, ông Francois Hollande đã chỉ định đồng minh lâu năm Jean-Marc Ayrault, làm Thủ tướng mới của nước này trước khi lên đường sang Đức để giải quyết khủng hoảng nợ công.
Thông cáo báo chí của Điện Élysé nêu rõ: "Tổng thống Cộng hòa Pháp đã chỉ định ông Jean-Marc Ayrault làm Thủ tướng và giao nhiệm vụ cho ông Ayrault thành lập một chính phủ mới".
Ông Ayrault 62 tuổi, là thủ lĩnh Đảng Xã hội tại Quốc hội và cũng là Thị trưởng thành phố cảng Nantes. Cũng giống như tân Tổng thống Hollande, ông Ayrault chưa từng nắm giữ cương vị cấp cao nào trong chính phủ và gần như không có kinh nghiệm lãnh đạo ở cấp cao nhất.
Dự kiến, tân Thủ tướng Ayrault sẽ công bố danh sách chính phủ Pháp trong ngày hôm nay và tổ chức phiên họp nội các đầu tiên của tân chính phủ vào ngày mai (17/5).
Trước đó cùng ngày, ông Francois Hollande đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Xã hội ở Pháp trong suốt 17 năm qua.
Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Hollande tuyên bố sẽ lãnh đạo đất nước bằng phẩm giá và sự giản dị, đồng thời cam kết sẽ tìm ra "con đường mới" để đưa châu Âu thoát khỏi tình trạng rắc rối hiện nay.
"Châu Âu cần các kế hoạch, sự đoàn kết và tăng trưởng. Với các đối tác của mình, tôi sẽ đề xuất một thỏa thuận mới gắn kết cắt giảm nợ công với thúc đẩy kinh tế. Tôi sẽ nói với họ rằng trong một thế giới bất ổn như hiện nay, châu lục chúng ta phải bảo vệ không chỉ các giá trị mà còn cả các lợi ích của chúng ta nữa", ông nói.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức và chỉ định người đứng đầu chính phủ mới, ông Hollande đã đáp chuyên cơ tới Berlin để hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel về cuộc khủng hoảng nợ công đang gây rối loạn khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện nay.
Ông Hollande mang đến Đức ý tưởng muốn châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng phát hành trái phiếu euro và trao thêm quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Ông cũng là người có quan điểm chống lại các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do bà Merkel và người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy kiến tạo nên.
Tuy nhiên, bà Merkel đã cố gắng giảm bớt mức độ bất đồng giữa hai bên ngay trước chuyến thăm của ông Hollande.
“Quan hệ hợp tác Pháp-Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với châu Âu. Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta đều muốn châu Âu thành công. Vì vậy, quan hệ Pháp – Đức sẽ sớm được khởi tạo và khởi tạo một cách thành công”, bà Merkel nói.
Pháp và Đức đã là lực đẩy chính đằng sau sự hòa nhập của châu Âu. Do vậy, các nhà lãnh đạo của hai nước này sẽ phải sớm tìm cách khắc phục bất đồng, đặc biệt là bất đồng về chính sách, nhằm cứu vãn châu Âu trước nguy cơ sống còn của đồng euro và ngăn chặn những hệ lụy có thể xảy đến với lục địa già một khi Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone trong nay mai.