1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Ông chủ" Lầu Năm Góc triển khai sách lược mới đối phó Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn nữa với Ấn Độ nhằm đối phó với những thách thức ở khu vực, bao gồm cả những mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ông chủ Lầu Năm Góc triển khai sách lược mới đối phó Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: Reuters).

Cuối tuần qua, trong phát biểu khi bắt đầu chuyến công du đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Austin đã nhắc lại một nhận định mà ông từng đưa ra trong phiên điều trần tại Thượng viện.

"Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng gia tăng của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo chúng ta có năng lực và kế hoạch tác chiến để có thể phô diễn khả năng răn đe đáng tin cậy tới Trung Quốc và bất cứ ai muốn đối đầu với Mỹ", ông Austin nói.

Theo Nikkei, đối với Lầu Năm Góc, việc củng cố mối quan hệ với các đồng minh và các quốc gia đối tác là rất quan trọng để đối phó với "mối đe dọa gia tăng" đó.

Vì vậy, sau khi thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Austin đã tới New Delhi vào ngày 19/3, điểm cuối trong chuyến công du Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông.

Về mặt chính thức, Ấn Độ chưa phải là đồng minh của Mỹ. Nhưng với căng thẳng hiện tại với Trung Quốc, khái niệm trên có thể chỉ là hình thức. Với danh nghĩa "đối tác quốc phòng quan trọng" của Mỹ, New Delhi dường như sẽ trở thành một phần trong sách lược mới của ông Austin.

Giới chuyên gia nhận định những cuộc điều trần và tranh luận gần đây cho thấy những nhà hoạch định chính sách của quân đội Mỹ có thể tìm đến Ấn Độ với mức độ cấp bách gia tăng về việc hợp tác quốc phòng, chia sẻ gánh nặng về mặt quân sự. Chuyến thăm của ông Austin có thể mở ra cơ hội cho 2 bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động tập trận và tác chiến chung. Hai bên có thể bàn bạc về các hợp đồng vũ khí trong tương lai có thể giúp Ấn Độ gia tăng năng lực quốc phòng và răn đe.

Gia tăng hợp tác

Theo giới quan sát, Ấn Độ có đặc điểm mà nhiều "ông lớn" tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là đối tác của Mỹ không có được: Kinh nghiệm trong giao tranh quân sự với quân đội Trung Quốc. New Delhi và Bắc Kinh đã đối đầu nhau liên quan tới khu vực tranh chấp chủ quyền ở biên giới tại Himalaya trong nhiều năm qua.

Sau vụ ẩu đả đẫm máu năm ngoái làm 24 quân nhân 2 bên thiệt mạng, cả 2 nước đều tăng cường xây dựng năng lực quân sự tại gần khu vực tranh chấp. Ấn Độ đã điều động ít nhất 3 sư đoàn, trong đó có các trung đoàn thiết giáp.

Vụ việc được cho đã mở ra cho Mỹ một hướng đi mới. Để giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát, Mỹ dường như cần một Ấn Độ hoạt động như một đồng minh mà không thực sự là đồng minh trên danh nghĩa.

Trong trường hợp 2 bên không có hiệp ước phòng thủ chung, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang tiếp cận New Delhi với các đề nghị về cung cấp vũ khí, nâng cao khả năng tương tác với quân đội Mỹ, hợp tác trong việc chỉ huy và kiểm soát chung, và thậm chí là chia sẻ thông tin.

Nhà phân tích Akhil Bery của Eurasia Group (Mỹ) cho rằng mối lo ngại về Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể đẩy Washington và New Delhi xích lại gần nhau hơn.

"Dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, New Delhi dường như cho rằng để trở thành một nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD, họ cần sự hỗ trợ của công nghệ và khoản đầu tư từ Mỹ. Và với căng thẳng ở biên giới, Ấn Độ cũng có động thái nâng cao hợp tác quốc phòng với Mỹ", Bery nhận định.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất có thể kéo Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau.

Giới quan sát cho rằng Ấn Độ là một cường quốc về hàng hải và kinh tế có tiềm năng to lớn để hình thành thế đa cực ở châu Á, nhưng sự trỗi dậy của nước này không đe dọa lợi ích của Mỹ do đặc điểm vị trí địa lý của Ấn Độ.

Chuyến thăm của ông Austin được cho thể hiện tầm quan trọng của Ấn Độ chỉ xếp sau những đồng minh châu Á quan trọng nhất của Mỹ và thể hiện sự tiếp tục các hoạt động đầu tư vào quan hệ quốc phòng giữa 2 nước.

Một trong những kịch bản dễ xảy ra nhất chính là các giao dịch vũ khí. Ấn Độ được cho đang muốn mua 30 máy bay không người lái MQ9 Reaper của Mỹ. New Delhi cũng muốn mua thêm máy bay trinh sát hàng hải P8I Poseidon từ Washington. Chuyến công du của ông Austin lần này có thể sẽ mở đường cho việc thông qua những giao dịch này.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ cũng có những khúc mắc nhất định, ví dụ như việc New Delhi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, động thái mà Washington nhiều lần phản đối. Mỹ thậm chí có đạo luật để trừng phạt các nước mua những hệ thống vũ khí lớn của Nga. Việc hợp tác trong tương lai với Ấn Độ được cho sẽ gặp khó khăn vì khúc mắc này, trừ khi Mỹ có động thái miễn trừ trừng phạt với New Delhi.