1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai tham vọng lớn của Mỹ: Củng cố đồng minh - Đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Hai mục tiêu tham vọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden đều đặt ở châu Á, gồm tái thiết mối quan hệ với các đồng minh và tăng cường "mặt trận" đối phó Trung Quốc.

Hai tham vọng lớn của Mỹ: Củng cố đồng minh - Đối phó Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken (Ảnh: AP).

Tuần này, nhằm hiện thực hóa cả hai mục tiêu tham vọng, gồm tái thiết mối quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy "mặt trận" đối phó Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đã cử 2 trong số các quan chức hàng đầu trong nội các của ông tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài ở cấp cao nhất của chính quyền Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1.

Chuyến thăm tới 2 nước đối tác thân cận nhất của Mỹ tại Đông Á đã "mở màn" cho cuộc gặp trực tiếp của chính quyền Biden với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Alaska, sau đó cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gặp 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ coi cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc là cơ hội để thiết lập các quy tắc nền tảng và vạch ra lằn ranh đỏ cho mối quan hệ mà Ngoại trưởng Blinken gọi là "phép thử địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 21". Giới chức Mỹ mô tả sự kiện này là cuộc họp quan trọng để xác định những vấn đề mà Washington có thể hợp tác với Bắc Kinh, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mối lo ngại giữa hai nước.

Hàng loạt hoạt động ngoại giao, bắt đầu bằng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nước đồng minh trong nhóm "Bộ Tứ" (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản) hôm 12/3, đã cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden, sau chính sách xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama và cách tiếp cận lỏng lẻo với các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump.

Cuộc gặp với các đồng minh diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi chính quyền Biden nhấn mạnh mục tiêu của tân tổng thống trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu nhằm đương đầu với các đối thủ của Mỹ và thúc đẩy hơn nữa các lợi ích của Washington.

Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ cũng gặp không ít thách thức. Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh kinh tế của nước này, trong khi phương Tây vẫn đang phải vật lộn để hồi phục kinh tế. Quân đội Trung Quốc cũng đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ nhờ các khoản đầu tư đáng kể.

Quyết định lựa chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin được xem là sự kiện quan trọng tại Tokyo, khi Nhật Bản từng nỗ lực để duy trì mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Trump bất chấp việc ông yêu cầu đồng minh châu Á phải tăng ngân sách để duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ. Nhà Trắng tuần trước thông báo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Biden tại Washington.

"Khi nhiệm kỳ của chính quyền Trump kết thúc, liên quan tới khu vực châu Á, chúng ta đã xảy ra mâu thuẫn với các đồng minh về việc chia sẻ ngân sách quốc phòng. Chúng ta đã có quan điểm phiến diện trong quan hệ với các đồng minh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang sử dụng đòn bẩy kinh tế trên toàn thế giới để bắt nạt các quốc gia khác", Victor Cha, người theo dõi chính sách với châu Á tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Hai tham vọng lớn của Mỹ: Củng cố đồng minh - Đối phó Trung Quốc - 2

Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc (Ảnh: New York Times).

Chiến lược với Trung Quốc của chính quyền Biden vẫn chưa rõ ràng. Ngoại trưởng Blinken từng nói Mỹ muốn một mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, thậm chí đối đầu với Trung Quốc. Để làm được điều đó, Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả 2 nước đều đang cố gắng duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, khi sự thịnh vượng của họ phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Bắc Kinh, nhưng cũng mâu thuẫn với Bắc Kinh về nhiều vấn đề.

Nhật Bản ngày càng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ, khi quân đội Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại vùng biển nơi Tokyo tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông. Trong khi đó, Hàn Quốc sử dụng mối quan hệ với Trung Quốc để thực hiện chiến thuật gây sức ép với Triều Tiên - quốc gia vốn trông cậy vào Bắc Kinh để phát triển kinh tế.

Giới chức Nhật Bản hy vọng sẽ nhận được sự trấn an từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm sắp tới rằng, quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Trong khi đó, Hàn Quốc mong muốn lãnh đạo Lầu Năm Góc sẽ xác định liệu Mỹ có nối lại các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc hay không, sau khi cựu Tổng thống Trump đột ngột hủy bỏ. Tuần trước, Washington và Seoul đã đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí về sự hiện diện của quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, dù trước đó ông Trump dọa sẽ chấm dứt sự hiện diện này.

Sau cuộc gặp tại Tokyo và Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tới Ấn Độ - quốc gia đang có mối quan hệ căng thẳng nhất trong nhiều thập niên với Trung Quốc sau vụ đụng độ tại biên giới vào mùa hè năm ngoái.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho đến nay vẫn tuyên bố họ sẵn sàng đưa mối quan hệ với Mỹ quay trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo bất kỳ động thái xoa dịu căng thẳng nào cũng giúp Trung Quốc "câu giờ" để phát triển năng lực kỹ thuật và quân sự trước khi đổ vỡ quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về chiến lược của Tổng thống Biden nhằm củng cố đồng minh thành một khối thống nhất để đối phó Trung Quốc, điều mà có thể gây tổn hại cho Bắc Kinh cả về chính trị và kinh tế. Tuần trước, các nước trong nhóm Bộ Tứ thông báo chuyển vắc xin Covid-19 tới Đông Nam Á để cạnh tranh với chiến lược ngoại giao vắc xin của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong các lĩnh vực như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hâu. Tuy nhiên, ông Vương cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc như vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng vạch ra "lằn ranh đỏ" với Mỹ trong vấn đề Đài Loan.