1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân Mỹ đẩy mạnh thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong hai năm gần đây nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ đẩy mạnh thách thức Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 4/2 (Ảnh: US Navy).

Theo dữ liệu của Hải quân Mỹ, các tàu chiến của nước này đã áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông 10 lần trong năm 2019 và 10 lần trong năm 2020, tăng gấp đôi so với con số thường niên từ năm 2014. Các tàu chiến Mỹ cũng đi qua eo biển Đài Loan 13 lần trong năm 2020, nhiều nhất trong 14 năm qua.

Theo AP, việc Hải quân Mỹ tăng cường các hoạt động trên đã cho thấy lập trường cứng rắn của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Động thái này cũng phản ánh nỗ lực ngày càng tăng của Lầu Năm Góc nhằm đối phó với việc Bắc Kinh mở rộng hiện diện quân sự, điều mà Washington cho rằng sẽ làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của Mỹ.

Việc đưa tàu hải quân đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan là một trong những cách để quân đội Mỹ có thể thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở những vùng biển này mà không dẫn đến xung đột quân sự.

Mức độ gia tăng hoạt động của các tàu chiến Mỹ tại Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt ra câu hỏi về chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh Washington muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken, 2 quan chức cấp cao trong nội các Tổng thống Joe Biden, đang có chuyến thăm châu Á trong tuần này để củng cố quan hệ với các đồng minh, gồm Hàn Quốc và Nhật Bản.

Từ sau khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1, Hải quân Mỹ đã thực hiện các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và áp sát các đảo nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Trong 2 năm qua, tàu chiến Mỹ nhiều lần áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đầu tháng 2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến của Hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Cuối tháng 2, tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ cũng được nhìn thấy hoạt động xung quanh quần đảo này.

Ngày 17/2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell của Mỹ đã thực hiện hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa. Chuyến tuần tra của tàu USS Russell diễn ra không lâu sau cuộc diễn tập của hai nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.

Mỹ từ lâu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông. Tháng 7/2020, Mỹ đã đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này, coi đây là những yêu sách "phi pháp".

Ngoài Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng tăng cường hoạt động tại eo biển Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Số lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan tăng lên trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, khi chính quyền Mỹ chuyển hướng sang châu Á sau nhiều năm tập trung vào các cuộc chiến tại Trung Đông.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, tàu chiến Mỹ chỉ đi qua eo biển Đài Loan vài lần, song số lần đi qua khu vực này đã tăng lên 9 lần vào năm 2019 và 13 lần vào năm 2020. Từ đầu năm tới nay, tàu chiến Mỹ 2 lần đi qua eo biển Đài Loan, lần gần nhất là tàu khu trục USS John Finn hôm 10/3.