1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden có thể đảo ngược chính sách đối ngoại của ông Trump nếu đắc cử

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, ông Joe Biden có thể đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có các chính sách đối ngoại.

Ông Biden có thể đảo ngược chính sách đối ngoại của ông Trump nếu đắc cử - 1
Ông Joe Biden là một chính trị gia kỳ cựu. (Ảnh: Getty)

Ngay cả trước khi chính thức được đề cử đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay, cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã là một nhân vật dày dặn kinh nghiệm được nhiều người biết đến trong chính giới Mỹ. Ông là "phó tướng" của cựu Tổng thống Barack Obama suốt 2 nhiệm kỳ và làm việc trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hàng chục năm.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden tập hợp hơn 2.000 cố vấn chính sách đối ngoại, chia làm 20 nhóm phụ trách các vấn đề quốc tế khác nhau từ kiểm soát vũ khí, tình báo đến các vấn đề từng khu vực. Trong số này có cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và nhiều quan chức ngoại giao kỳ cựu khác. Tất nhiên, các tổng thống không bao giờ phụ thuộc hoàn toàn vào các cố vấn chính sách, nhưng đội ngũ này cho thấy ông Biden tin vào các chính sách đa phương và đó có thể là "kim chỉ nam" định hình chính sách của ông nếu đắc cử.

Đảo ngược chính sách đối ngoại

Ông Biden có thể đảo ngược chính sách đối ngoại của ông Trump nếu đắc cử - 2

Ông Biden có thể đảo ngược nhiều chính sách của ông Trump nếu đắc cử. (Ảnh: BBC)

Trang tin The Conversation nhận định, nếu đắc cử, ông Biden nhiều khả năng sẽ xóa bỏ và đảo ngược nhiều chính sách "tự cô lập" của chính quyền Tổng thống Trump.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ tham gia lại các hiệp ước quốc tế như Hiệp ước chống biến đổi khí hậu 2015, hay khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chính trị gia của đảng Dân chủ cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách nhập cư gây tranh cãi của ông Trump và ngừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico.

Ngoài ra, ông Biden cũng có thể đảo ngược việc Mỹ từ bỏ vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19. Năm 2009, thời điểm xảy ra đại dịch cúm, ông Biden chính là người kêu gọi chính phủ Mỹ mở kho dự trữ vắc xin và thiết bị y tế khẩn cấp.

Xây dựng lại các mối quan hệ

Với quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ông Biden có thể nhanh chóng xây dựng lại mối quan hệ của Mỹ với nhiều đồng minh, trong đó có NATO, Liên minh châu Âu (EU), Đức. Khi còn là “phó tướng” dưới thời cựu Tổng thống Obama, ông Biden đã phối hợp chính sách với các nước châu Âu nhằm kiềm chế Nga và nỗ lực thúc đẩy chiến lược xuyên Đại Tây Dương nhấn mạnh Washington là một "đồng minh biết lắng nghe" và chia sẻ trách nhiệm.

Về mối quan hệ với Nga, tuy có quan điểm kiềm chế Moscow, song ông Biden ủng hộ việc đàm phán gia hạn hiệp ước về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga - hiệp ước dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm sau.

Chính sách với Trung Quốc là một trong những điểm chung hiếm hoi giữa ông Biden và ông Trump. Nhìn chung, đảng Dân chủ đồng tình với chính sách cứng rắn của chính quyền Trump với Bắc Kinh. Ông Trump coi các chính sách thương mại của Trung Quốc là “không công bằng”, hạn chế về tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như các chính sách với Đài Loan, chính sách với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán, ông Biden sẽ tìm cách xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc so với chính quyền của ông Trump.

Ông Biden có thể đảo ngược chính sách đối ngoại của ông Trump nếu đắc cử - 3

Ông Biden không muốn Mỹ tiếp tục lún sâu vào các cuộc chiến ở Trung Đông. (Ảnh minh họa: Debbi)

Với Trung Đông, ông Biden cam kết sẽ chấm dứt các “cuộc chiến không hồi kết” cua Mỹ ở khu vực bằng việc tiếp tục rút quân khỏi Afghanistan, tránh lún sâu ở Iraq, Syria và các điểm nóng khác. Khi mới bước chân vào chính trường, ông Biden ủng hộ việc quân đội Mỹ can dự vào các điểm nóng ở nước ngoài. Tuy nhiên, với vai trò “phó tướng” dưới thời ông Obama, ông Biden không còn ủng hộ quan điểm này. Ông phản đối can thiệp quân sự vào Libya, muốn rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.

Tất nhiên, theo giới quan sát, việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Trung Đông là điều không thể ngay cả khi ông Biden đắc cử. Đây là khu vực còn quá nhiều mối quan tâm đối với Washington trong đó có mối quan hệ đồng minh đang lung lay với Ả rập Xê út, hay vấn đề Israel-Palestine, thỏa thuận hạt nhân với Iran.