1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bầu cử Mỹ: Đối đầu Trump - Biden ngày càng gay gắt

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Cuộc đua giữa ứng viên Dân chủ Joe Biden và đối thủ Cộng hòa - đương kim Tổng thống Donald Trump ngày càng đến hồi gay cấn, trong bối cảnh nước Mỹ đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.

Bầu cử Mỹ: Đối đầu Trump - Biden ngày càng gay gắt - 1

Đương kim Tổng thống Donald Trump (trái) sẽ đối đầu cựu Phó tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới (Ảnh: Getty, Reuters)

Đại dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp đã gây khó khăn cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 giữa 2 "lão tướng" Donald Trump và Joe Biden. Cuộc đua nước rút vẫn tiếp diễn với sự gay cấn giữa hai đối thủ.

Với quan điểm tiếp cận theo định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề của nước Mỹ, ông Trump quyết tâm theo đuổi kế hoạch mở cửa đất nước và phục hồi nền kinh tế; tái mở cửa trường học, bất chấp nhiều lời cảnh báo có thể làm trầm trọng thêm tình hình Covid-19, sự phản đối của giáo viên và giới chức y tế.

Ông Trump tuyên bố đình chỉ các hoạt động nhập cư vào Mỹ, chỉ trích kế hoạch phục hồi kinh tế cũng như kế hoạch khí hậu của ông Biden và cho rằng việc tăng thuế quy mô lớn sẽ dập tắt mọi dấu hiệu phục hồi kinh tế. Ông Trump cũng cho rằng kế hoạch khí hậu của ông Biden đi ngược lại lợi ích của ngành năng lượng đồng thời làm suy yếu nền kinh tế nước này.

Ông Trump đang cố gắng hạ thấp đối thủ bằng cách xây dựng ông Biden như “công cụ của phe cực tả”, với chính sách nhập cư mềm mỏng, hy sinh nhiều việc làm của người Mỹ, tăng thuế với gia đình trung lưu và cắt giảm ngân sách cảnh sát.

Trong khi đó, hướng tiếp cận của ông Biden khác hẳn với ông Trump. Ông cho rằng cần tăng thuế các tập đoàn lớn để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và có thêm tiền hỗ trợ tầng lớp dưới, nhất là người da màu; chính phủ liên bang cần chi thêm hàng trăm tỷ USD cho nhà ở, giáo dục, y tế và vốn kinh doanh.

Ông Biden đề xuất gói phục hồi kinh tế Mỹ khoảng 7.000 tỷ USD, trong đó, hơn một nửa số tiền này sẽ lấy từ việc tăng thuế đối với các tập đoàn, nhà đầu tư và người có thu nhập cao. Ông vạch ra kế hoạch đem việc làm về cho người Mỹ; kế hoạch thúc đẩy năng lượng sạch, tăng cường chăm sóc trẻ em và người già.

Ông Biden chỉ trích ông Trump để dịch Covid-19 lây lan, gây ra đợt thất nghiệp lịch sử trên 8%, khiến kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Ông Biden cam kết ông sẽ đưa Mỹ tái gia nhập WHO nếu đắc cử. Ông cũng có bài phát biểu của về tình trạng bất ổn dân sự cũng như các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết của công dân gốc Phi George Floyd.

Ai đang có lợi thế?

Theo giới phân tích, ông Trump đang có phần bất lợi trong cuộc đua nước rút này khi đã xem nhẹ và chủ quan để bệnh dịch Covid-19 lan tràn nước Mỹ. Ông cũng bị chỉ trích vì quản lý khủng hoảng không tốt khiến giá thiết bị y tế tăng cao.

Ngay lợi thế điều hành kinh tế của ông Trump cũng đang bị suy giảm khi nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào “hố đen” suy thoái sâu hơn, kinh tế Mỹ giảm 32,9% trong quý II, mức sụt giảm gần 4 lần đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính. Không chỉ có vậy, ông Trump còn vấp phải một thách thức nghiêm trọng, khi để cho bạo lực xảy ra ở Minneapolis và lan ra nhiều thành phố của Mỹ sau cái chết của George Floyd.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn có những lợi thế nhất định, như khả năng điều hành nền kinh tế. Một số người Mỹ coi ông Trump là triển vọng tốt nhất để vực dậy nền kinh tế. Qua khảo sát, vẫn có tới 54% cử tri đồng ý với cách ông Trump xử lý vấn đề kinh tế, ngay cả khi mức tín nhiệm tổng thể của ông chỉ còn 42%.

Michael Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: “Nếu Tổng thống muốn quỹ đạo kinh tế đi lên vào đầu tháng 10, khi vòng bỏ phiếu sớm diễn ra, việc đưa ra quyết sách đúng đắn vào tháng 7 và tháng 8 vô cùng quan trọng”.

Về phía ông Biden, giới chuyên gia nhận định, ông có nhiều lợi thế khi tạo được niềm tin đối với những người bình dân, được nhiều nhân vật đảng Dân chủ ủng hộ. Kết quả một cuộc khảo sát do đài CNN công bố ngày 26/7 cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump tại các bang "chiến trường" như Michigan, Arizona, Florida... Tuy nhiên, các khoảng cách này được thu hẹp gần đây.

Số tiền tài trợ tranh cử của ông Biden cũng đang gia tăng từ các mạnh thường quân giàu có trong 3 tháng vừa qua. Tính đến giữa tháng 7, số tiền tài trợ tranh cử lên tới 242 triệu USD, gấp nhiều lần số tiền hồi đầu tháng 4, trong số đó có cả những người từng ủng hộ ông Trump.

Maria Urbina, giám đốc chính sách quốc gia của nhóm cư dân cấp tiến Indivisible, cho rằng ông Trump không dễ “hạ bệ” ông Biden, bởi cách thu hút sự ủng hộ từ các cộng đồng tiến bộ. Kế hoạch khí hậu của ông Biden không chỉ nhận được lời khen ngợi từ các cộng đồng dân cư, mà còn nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới.

Hiện chưa thể khẳng định ai sẽ là người thắng cuộc, nhưng giới chuyên gia, cựu nghị sĩ, chiến lược gia ngày càng lo ngại về nguy cơ rối loạn sau cuộc bầu cử. Gần đây, khi tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, ông Trump tuyên bố rằng cuộc đối đầu sắp tới giữa ông và ông Biden “sẽ là cuộc bầu cử nhiều gian lận nhất trong lịch sử Mỹ”. 

Theo CNN, Mỹ hoàn toàn có cơ sở để chuẩn bị cho kịch bản hỗn loạn hậu bầu cử. Lý do đầu tiên là thay đổi về cách thức bầu cử, với phần lớn bang bỏ phiếu qua thư, do Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Mỹ vẫn còn thời gian để tránh một kịch bản hỗn loạn xảy ra, trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Quốc hội Mỹ có thể chi ngân sách cho các bang để tìm cách cải thiện quy trình kiểm phiếu, trong khi báo chí nên chuẩn bị sẵn tâm lý rằng kết quả bầu cử năm nay có thể phải chờ một tuần, thay vì một đêm như trước đây.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm