Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012:
Obama hay Romney có lợi hơn với Trung Quốc?
(Dân trí) - Không chỉ riêng người Mỹ, người Trung Quốc cũng rất quan tâm đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Một Obama quen thuộc hay một Romney mới mẻ sẽ có lợi cho Trung Quốc đang là điều được quan tâm nhất hiện nay.
Sự quan tâm đó bắt nguồn từ thực tế không thể phủ nhận là chủ nhân tương lai của Nhà Trắng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Mặc dù quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này được định hình bởi nhiều yếu tố khác nhau xoay quanh những lợi ích đan cài nhiều tầng nấc, song mối quan hệ đó dễ chịu hay căng thẳng phụ thuộc rất lớn vào các nhà lãnh đạo cao nhất của cả hai bên.
Nhìn lại 4 năm qua, có thể thấy mặc dù quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua không ít thăng trầm, đôi lúc lạnh nhạt, song nhìn chung mối quan hệ đó vẫn luôn được duy trì trong tình trạng "dễ thở" đối với cả hai bên.
Sau 4 năm dùi mài, cọ sát, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít nhiều cũng đã hiểu rõ về những góc khuất trong quan hệ song phương. Vì vậy, nếu chọn con đường an toàn, Bắc Kinh sẽ ngả về ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ hơn là đối thủ Mitt Romney phe Cộng hòa. Bởi, một Obama liên nhiệm sẽ có lợi hơn cho những nhu cầu hiện thực của hai nước.
Ngược lại lịch sử bầu cử Mỹ, kể từ năm 1991 đến nay nước Mỹ đã tiến hành 6 cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng chưa bao giờ người Trung Quốc lại khó đoán định về chính sách của Washington đối với Bắc Kinh như lần này.
Xét trên phương diện tình cảm, người dân Trung Quốc dành nhiều thiện cảm cho Obama hơn là Romney, người có chủ trương khá "diều hâu" trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế thời gian qua, các chính sách của Obama đối với Trung Quốc cũng không thực sự hữu hảo như người dân nước này mong muốn. Trong 4 năm làm việc tại Nhà Trắng, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh chiến lược "trở lại châu Á" hòng từng bước siết chặt các gọng kìm bao vây, kiềm chế sức ảnh hưởng của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Từ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, đến nguy cơ chiến tranh thương mại hay cuộc chiến tỷ giá hối đoái, Bắc Kinh đều cảm nhận rõ sức ép không khoan nhượng từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, với Romney mọi việc có thể còn khó chịu hơn. Bởi ngay từ khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ mới bắt đầu, cựu Thống đốc bang Massachussetts đã không úp mở tố cáo Trung Quốc là "kẻ lưu manh tiền tệ". Chính khách lão luyện 65 tuổi cũng không quên “đe dọa” sẽ không để Bắc Kinh tiếp tục trục lợi từ quan hệ thương mại mất cân bằng với Washington. Mặc dù trên thực tế vị chính khách - doanh nhân này cũng đang có những thương vụ làm ăn lớn với các công ty của Trung Quốc, song những ngôn từ chỉ trích mạnh mẽ của ông khó lòng khiến người dân Trung Quốc có thể dễ dàng bỏ qua.
Nếu loại bỏ nhân tố tình cảm, khách quan mà nói dù ông Obama hay Romney trúng cử, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi nhiều. Sự khác biệt, có chăng, cũng chỉ ở phương cách giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa hai bên. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên do.
Thứ nhất, do cả hai bên đều có những điều chỉnh kết cấu kinh tế gần như cùng lúc nên sự cọ sát và xung đột lợi ích trong thương mại cũng như trong vấn đề tỷ giá là rất khó tránh khỏi.
Nếu Tổng thống Obama liên nhiệm, chính phủ của ông sẽ tiếp tục chính sách "ép Trung Quốc tuân thủ luật chơi thương mại" như hiện nay. Còn nếu cơ hội thuộc về Romney, sức ép thương mại và các đòn trả đũa kinh tế đối với Trung Quốc có thể sâu sắc hơn. Khí ấy, chiến tranh thương mại có thể sẽ có đất bùng phát.
Thứ hai là tâm lý lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc ngay trong lòng nước Mỹ.
Theo kết quả điều tra của công ty PEW, việc Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, mỗi năm lại xuất siêu sang Mỹ hàng trăm tỷ USD là hai yếu tố nhận được sự quan tâm hàng đầu của hơn 70% dân chúng Mỹ. Mặc dù đa số dân Mỹ chủ trương tăng cường quan hệ với Trung Quốc song vẫn có tới 63% trong số này muốn chính phủ áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Điều này không chỉ phản ánh quan điểm, cách nhìn thay đổi của người Mỹ đối với Trung Quốc, mà còn hàm chứa nỗi ám ảnh về nguy cơ cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc đối với vị trí siêu cường của "chú Sam".
Trong con mắt của người dân và chính phủ Mỹ, việc nước Mỹ có vượt qua được sóng gió hiện nay hay không phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác với Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, việc bảo vệ thành công vị trí siêu cường số một của nước Mỹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Đó là lý do tại sao ý nghĩa của Trung Quốc đối với Mỹ đã có sự thay đổi mang tính căn bản, nhưng xét về tổng thể vẫn không thể vượt quá hiện trạng của nước Mỹ hiện nay cũng như cách nhìn của người dân Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai.
Vì vậy, dù ai đắc cử, quan hệ Mỹ - Trung vẫn chỉ có thể được gói gọn trong hai chữ “cần” và “ghét”. Cần về kinh tế, thương mại và cả chính trị. Nhưng bên cạnh những điều cần đó, hai bên vẫn sẽ luôn “hậm hực” trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trên thế giới với tư cách là hai cường quốc có đường lối phát triển và đối ngoại khác hẳn nhau.
Tất nhiên, hai vế “cần” và “ghét” trong mối quan hệ này sẽ có sự điều chỉnh đáng kể tùy từng vấn đề, thời điểm và tùy cả vào gương mặt sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào đêm nay và rạng sáng mai theo giờ Việt Nam.
Việt Giang