1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Nút tạm dừng" của cuộc xung đột Ukraine

... Dường như thỏa thuận Minsk 2 chỉ là một "nút tạm dừng" của cuộc chiến Ukraine. Giao tranh đang sẵn sàng quay trở lại với cường độ mạnh mẽ và khốc liệt hơn.

Xe quân sự hạng nặng của phe ly khai. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe quân sự hạng nặng của phe ly khai. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Ngày 15/3 đánh dấu tròn một tháng thỏa thuận Minsk 2 (Belarus) chính thức có hiệu lực. Theo báo cáo của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), giao tranh tại miền Đông Ukraine đã giảm một cách rõ rệt, cũng như không có thêm nhiều trường hợp thiệt mạng.

Đây được cho là tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy rằng về cơ bản, thỏa thuận ngừng bắn vẫn được các bên tôn trọng. Thế nhưng trên thực tế, cả chính quyền Kiev và phe ly khai đang có những bước đi có thể khiến cho "thùng thuốc súng" Ukraine bùng nổ trở lại.

Về phía Kiev, Tổng thống Petro Poroshenko hôm 14/3 tự tin rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine trong trường hợp cần thiết, nhằm "chống lại kẻ gây hấn". Tuyên bố này được ông Poroshenko đưa ra trong bối cảnh Mỹ khẳng định sẽ cung cấp khoản viện trợ bao gồm các khí tài phi sát thương trị giá 75 triệu USD cho Kiev trong vài tuần tới, cũng như việc Ukraine đã đạt được thỏa thuận với 11 thành viên EU về việc cung cấp vũ khí phòng thủ cho quân đội nước này.

Bên cạnh đó, ngày 15/3, Ukraine nhận được khoản tiền 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một phần trong gói vay 17,5 tỷ USD mà không đi kèm các điều lệ chặt chẽ về mục đích sử dụng nguồn tiền này.

Có thể thấy, Ukraine đang được Mỹ và phương Tây hỗ trợ những thứ cần thiết, đặc biệt là tiền và vũ khí, để có thể theo đuổi hành động quân sự lớn hơn ở miền Đông, với quyết tâm đánh bật lực lượng ly khai ra khỏi những địa bàn mà họ chiếm đóng.

Giới quan sát nhận định, chính quyền Kiev buộc phải làm như vậy, bởi họ sẽ không thể tập trung tái thiết đất nước nếu tình trạng bất ổn ở miền Đông vẫn tiếp diễn. Nghiêm trọng hơn, các cuộc "cách mạng Maidan" có thể sẽ lại bùng lên một khi người dân bất mãn với các quyết sách của chính phủ.

Trên thực tế, tiếng súng vẫn vang lên tại một số điểm "nóng" ở Đông Ukraine như sân bay Donetsk hay thị trấn Shyrokyne. Bất chấp lệnh ngừng bắn, lực lượng ly khai Donbass không những tuyên bố sẽ đáp trả khi bị quân chính phủ tấn công, mà còn đe dọa sẽ lấn chiếm thêm các vùng lãnh thổ mới. Trong khi đó, chính quyền Kiev cũng chưa tuyên bố cấp quyền tự trị cho phe ly khai và thành lập thể chế liên bang. Mâu thuẫn này báo hiệu sẽ chưa thể có ngừng bắn tuyệt đối và giải giáp thực sự cho cả hai bên.

Về phần mình, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đang tích cực chuẩn bị để đối phó với các động thái từ chính quyền Kiev. Sau khi chiếm được "nồi hơi" Debaltseve, nối liền một dải Donetsk và Lugansk, phe ly khai đang di chuyển các vũ khí hạng nặng, phân bổ lại lực lượng tác chiến của mình. Họ nói rằng đang thực thi thỏa thuận Minsk 2, nhưng phía Kiev cho rằng đây là hoạt động chuyển quân chiến lược để phục vụ cho các chiến dịch sắp tới.

Bên cạnh đó, chính quyền tự xưng tại Lugansk đã áp dụng chính sách thanh toán đa tiền tệ với khu vực kiểm soát của mình, nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của Kiev về kinh tế, cũng như tự cứu mình khỏi đồng tiền đang mất giá từng ngày của Ukraine. Bản thân Donetsk cũng đã lên tiếng rằng họ không thể chung sống với một chính phủ nợ đầm đìa, ngân khố trống rỗng, và trên thực tế đã phá sản.

Như vậy, sau một tháng tạm ngừng chiến tranh, Kiev đã bổ sung cho mình chiến phí và vũ khí để có thể tái khởi động các chiến dịch quy mô lớn. Phe ly khai cũng đã tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời kiện toàn các hành động để có thể "đoạn tuyệt" với Kiev. Qua đây có thể thấy, dường như thỏa thuận Minsk 2 chỉ là một "nút tạm dừng" của cuộc chiến Ukraine. Giao tranh đang sẵn sàng quay trở lại với cường độ mạnh mẽ và khốc liệt hơn.

Theo Quang Chinh
Thế giới và Việt Nam