1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nữ nhà báo phanh phui hồ sơ Panama bị sát hại

(Dân trí) - Daphne Caruana Galizia, một phóng viên điều tra của Malta, người đã phanh phui hồ sơ Panama về các vụ tham nhũng, trốn thuế ở nhiều nước trên thế giới, đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom gần nhà riêng hôm 16/10, giới chức địa phương cho biết.


Bà Daphne Caruana Galizia (Ảnh: Reuters)

Bà Daphne Caruana Galizia (Ảnh: Reuters)

Báo The Sun dẫn nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết, nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia, 53 tuổi, thiệt mạng vào chiều 16/10 khi chiếc xe của bà bất ngờ phát nổ không lâu sau khi rời nhà riêng ở Bidnija, gần Mosta (Malta).

Thông tin ban đầu cho thấy, chiếc xe nổ tung do một quả bom gài sẵn trong xe của bà Galizi. Hiện cảnh sát chưa xác định được bất cứ nghi phạm nào liên quan đến vụ đánh bom trên.

Truyền thông địa phương cho biết, cách đây khoảng nửa tháng, bà Galizia đã trình báo cảnh sát về việc xuất hiện những lời đe dọa nhằm vào bà.


Hiện trường vụ đánh bom (Ảnh: Getty)

Hiện trường vụ đánh bom (Ảnh: Getty)

Những năm gần đây, bà Galizia dành phần lớn công việc cho tìm hiểu và phanh phui hồ sơ Panama. Việc phanh phui hồ sơ mật này đã khiến bà Galizia được Politico bình chọn là một trong 28 người sẽ tạo ra “cơn địa chấn” ở châu Âu năm 2017.

Bà Galizia bắt đầu sự nghiệp báo chí từ những năm 1980 với vai trò là một nhà phê bình cho Sunday Times of Malta. Sau đó bà làm biên tập viên cho Malta Independent. Trang blog cá nhân của bà ra mắt năm 2008 cũng là một trong những trang được đọc nhiều nhất ở Malta.

Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu liên quan đến chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12/2015. Tài liệu tiết lộ về hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến khoảng 140 chính trị gia, hàng chục tỷ phú và cá nhân nổi tiếng...

Sau quá trình điều tra và phân loại của 400 phóng viên đến từ 107 tổ chức truyền thông của hơn 80 quốc gia, ICIJ đã công bố một phần Hồ sơ Panama vào đầu tháng 4 và được coi là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. Đợt công bố lần hai bao gồm thông tin về hơn 200.000 công ty bình phong ở nước ngoài do giới nhà giàu thiết lập.

Minh Phương

Theo Washington Post