1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi lo của Trung Quốc sau khi Myanmar xảy ra đảo chính quân sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định rằng sau khi quân đội Myanmar đảo chính vào đầu tháng trước, Trung Quốc đang gia tăng lo ngại nguồn cung đất hiếm từ quốc gia Đông Nam Á có thể bị gián đoạn.

Nỗi lo của Trung Quốc sau khi Myanmar xảy ra đảo chính quân sự - 1

Hoạt động khai thác đất hiếm ở khu vực đông bắc Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AFP)

Theo báo Nikkei (Nhật Bản), cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar dường như đã nhắc nhở Trung Quốc về sự phụ thuộc và dễ tổn thương của nước này với nguồn cung đất hiếm từ quốc gia Đông Nam Á.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về đất hiếm - nguyên liệu không thể thiếu trong việc sản xuất nhiều loại sản phẩm công nghệ, từ điện thoại thông minh đến xe điện, hệ thống phòng thủ tên lửa, máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu một số nguyên tố đất hiếm từ nước ngoài, trong đó có Myanmar.

Dù dẫn đầu thế giới về xuất khẩu đất hiếm Trung Quốc cũng là một trong những bên nhập khẩu nhiều nhất quặng và tinh quặng đất hiếm. Đặc biệt, đối với các nguyên tố đất hiếm nặng như terbi và dysprosi, Trung Quốc nhập khẩu hơn nửa nguồn cung trong nước từ Myanmar.

Theo Nikkei, vụ đảo chính hồi đầu tháng trước khiến những người trong ngành đất hiếm Trung Quốc nhớ lại "vụ việc Myanmar" diễn ra vào tháng 11/2018, khi chính quyền quốc gia Đông Nam Á thông báo cấm xuất khẩu đất hiếm sang Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng lệnh cấm trên được đưa ra sau khi Trung Quốc có động thái mạnh tay với hoạt động khai thác trái phép, khi nhiều người đã vượt biên giới Trung Quốc - Myanmar để khai thác khoáng sản kể từ năm 2016. Việc khai thác tài nguyên ồ ạt khiến Myanmar lo ngại về việc hủy hoại môi trường và các vấn đề về quyền khai thác trên lãnh thổ của quốc gia này.

Lệnh cấm năm 2018 sau đó đã được dỡ bỏ, nhưng Nikkei cho hay thỉnh thoảng các lệnh ngừng xuất khẩu lại được Myanmar phát đi.  

Ma Jinlong, nhà phân tích tại công ty chứng khoán Zheshang Securities (Trung Quốc), nhận định: "Bất ổn chính trị ở Myanmar có thể dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung đất hiếm".

Cho tới nay, chưa có sự gián đoạn sản xuất lớn nào xuất hiện ở Myanmar và các nhà nhập khẩu Trung Quốc liên quan tới đất hiếm. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Canada Adamas Intelligence Ryan Castilloux nói với Nikkei rằng: "Myanmar đã trở thành nhà cung cấp tinh quặng đất hiếm quan trọng của Trung Quốc thời gian gần đây. Viễn cảnh nguồn cung từ Myanmar bị gián đoạn có thể khiến giá một số nguyên tố đất hiếm nhất định tăng mạnh". 

Ông Castilloux chỉ ra rằng giá của một số nguyên liệu đã bắt đầu tăng vọt vì nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc, cũng như liên quan tới hoạt động tích trữ vì nỗi lo ngại sau khi chính biến xảy ra ở Myanmar.

Terbium oxit đã tăng 95% vào cuối tháng 2 so với giá hồi tháng 10/2020, trong khi kim loại neodymium và dysprosium oxit tăng lần lượt 87% và 65% trong cùng kỳ, theo hãng tin Reuters.

Giới quan sát nhận định rằng việc Trung Quốc phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung nguyên tố đất hiếm từ nước ngoài có thể sẽ gây ra rủi ro tiềm tàng với Bắc Kinh mà vụ chính biến ngày 1/2 là một trong những ví dụ điển hình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm