1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bạo lực leo thang, ít nhất 19 cảnh sát Myanmar chạy sang Ấn Độ xin tị nạn

An Bình

(Dân trí) - Ít nhất 19 cảnh sát Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ để thoát khỏi việc phải thực thi các mệnh lệnh của chính quyền quân sự, một cảnh sát Ấn Độ hôm nay cho biết, và dự báo xu hướng này sẽ còn tăng lên.

Bạo lực leo thang, ít nhất 19 cảnh sát Myanmar chạy sang Ấn Độ xin tị nạn - 1

Cảnh sát làm nhiệm vụ tai một địa điểm ở Yangon, Myanmar ngày 3/3. (Ảnh: Reuters)

Quan chức Ấn Độ giấu tên cho hay, các cảnh sát Myanmar đã vượt biên vào hai quận Champhai và Serchhip ở bang Mizoram thuộc đông bắc Ấn Độ, giáp biên giới Myanmar.

Tất cả các nam giới này là cảnh sát cấp bậc thấp, không mang vũ khí. "Chúng tôi dự đoán sẽ còn nhiều người nữa sẽ vượt biên", quan chức Ấn Độ nói, trích dẫn các nguồn tin tình báo.

Quan chức trên cho hay, các cảnh sát Myanmar vượt biên vì lo sợ bị trừng phạt vì không tuân theo các mệnh lệnh. Họ có thể bị giới chức Ấn Độ quản thúc tạm thời.

"Họ không muốn thực hiện các mệnh lệnh chống lại phong trào biểu tình dân sự", ông nói, đề cập tới làn sóng biểu tình kêu gọi đảo ngược cuộc đảo chính hôm 1/2 tại Myanmar và thả cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.

Trong số 19 người, có 3 cảnh sát Myanmar đã vượt biên gần thị trấn Bắc Vanlaiphai tại quận Serchhip, Ấn Độ vào chiều ngày 3/3 và giới chức đang đánh giá sức khỏe của họ.

Kể từ khi xảy ra vụ đảo chính hôm 1/2 và làn sóng biểu tình phản đối chính biến, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số trường hợp cảnh sát tham gia các phong trào dân sự và các cuộc biểu tình để phản đối chính quyền quân đội và một số người đã bị bắt. Nhưng đây là lần đầu tiên có các trường hợp cảnh sát chạy khỏi Myanmar.

Ấn Độ chung đường biên giới dài 1.643 km với Myanmar. Hàng nghìn người tị nạn từ Myanmar, trong đó có dân tộc thiểu số Chin và Rohingya, đã chạy khỏi quốc gia Đông Nam Á đến Ấn Độ trong các đợt bùng phát bạo lực trước đây.

Tuy nhiên, một lãnh đạo cộng đồng người Chin ở New Delhi cho biết cảnh sát hiếm khi chạy sang Ấn Độ. "Đây là một điều rất lạ. Vì trong quá khứ, cảnh sát và quân đội luôn tuân lệnh", người này nói.

Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính từ tháng trước và cảnh sát đã thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giải tán đám đông như vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật. Tính đến nay, hơn 50 người đã thiệt mạng trong phong trào biểu tình, và chỉ riêng ngày 3/3, đã có 38 người chết - con số khiến Liên Hợp Quốc mô tả hôm qua là "ngày đẫm máu" nhất kể từ khi biểu tình diễn ra ở Myanmar.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar