Quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng TikTok đe dọa người biểu tình
(Dân trí) - Các binh sĩ và cảnh sát Myanmar bị cáo buộc sử dụng TikTok để đe dọa người biểu tình phản đối cuộc đảo chính hồi tháng trước, khiến mạng xã hội này phải tuyên bố gỡ bỏ các nội dung kích động bạo lực.
Reuters ngày 4/3 đưa tin, MIDO, một nhóm chuyên theo dõi công nghệ ở Myanmar, cho biết họ đã phát hiện hơn 800 video ủng hộ quân đội có nội dung đe dọa người biểu tình, giữa lúc căng thẳng leo thang sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
"Đó chỉ là phần nổi của tảng băng", một đại diện của MITO cho biết, nói thêm rằng có "hàng trăm" video của các binh sĩ và cảnh sát mặc đồng phục trên TikTok.
Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar không phản hồi đề nghị bình luận về thông tin trên.
TikTok là mạng xã hội mới nhất đối mặt với sức ép phải kiểm soát các nội dung kích động bạo lực hoặc chứa ngôn từ thù hận tại Myanmar.
Trước đó, hãng công nghệ Mỹ Facebook đã tuyên bố cấm toàn bộ các trang liên quan tới quân đội Myanmar. Chính Facebook hiện cũng đang bị cấm tại quốc gia Đông Nam Á.
TikTok, một nền tảng mạng xã hội chia sẻ video phổ biến của Trung Quốc, giờ đây cho biết sẽ hành động để ngăn chặn các nội dung kích động bạo lực.
"Chúng tôi có các quy định cộng đồng rõ ràng, trong đó nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ không cho phép các nội dung kích động bạo lực hoặc thông tin sai lệch gây tổn thương… Và liên quan tới Myanmar, chúng tôi đã và tiếp tục gỡ bỏ ngay tức thì tất cả các nội dung kích động hoặc phán tán thông tin sai lệch, và đang theo dõi chặt chẽ nhằm gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào vi phạm các quy định của chúng tôi".
Chính sách của TikTok cũng cấm việc khoe súng, trừ khi chúng ở trong "môi trường an toàn".
Hãng tin Reuters cho biết đã xem hơn chục video trong đó có cảnh các binh sĩ mặc đồng phục, đôi khi mang súng, đe dọa những người biểu tình vốn đang kêu gọi phản đối đảo chính và thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Một số video có hàng chục nghìn người xem. Một số sử dụng các hashtag có liên quan tới các nhân vật nổi tiếng tại Mỹ.
Một video từ cuối tháng 2 mà hãng tin Reuters được xem cho thấy một người đàn ông mặc đồng phục quân đội chĩa súng trường vào camera và gửi thông điệp tới người biểu tình. "Tôi sẽ đi tuần tra cả thành phố tối nay và sẽ nhắm vào bất kỳ ai...", người đàn ông này nói.
Vốn phát triển nhanh chóng tại Myanmar, TikTok đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng cài đặt sau khi quân đội cấm Facebook hồi tháng trước. Theo số liệu công nghệ, TikTok đứng trong số 20 ứng dụng được cài đặt nhiều nhất tại Myanmar.
Facebook, hiện vẫn phổ biến tại Myanmar dù bị cấm, đã gia tăng kiểm soát nội dung kể từ khi bị cáo buộc cổ động các hành động chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại Myanmar vào năm 2017. Các nhà nghiên cứu cho biết họ tin rằng quân đội Myanmar giờ đây đang tăng cường hoạt động trên các nền tảng khác.
Các diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh nước này hôm qua đã chứng kiến ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2, khi lực lượng an ninh mạnh tay với những người biểu tình phản đối đảo chính. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, 38 người đã thiệt mạng trong ngày 3/3, sau khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình. Con số này đã nâng tổng số người chết kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính vượt 50 người.