1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Một năm sau khi tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn" với Nga, Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục thế giới rằng họ là một bên trung lập có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Nỗ lực tháo ngòi nổ xung đột Nga - Ukraine của Trung Quốc - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty).

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Vương Nghị, dự kiến sẽ thăm Moscow trong những ngày tới sau khi đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực làm trung gian hòa giải của Bắc Kinh đang vấp phải rào cản từ Washington, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc đang cân nhắc về việc có nên cung cấp vũ khí cho Nga hay không, mặc dù Mỹ cho rằng Trung Quốc "vẫn chưa vượt qua lằn ranh".

Cuộc khẩu chiến giữa ông Blinken và ông Vương, hai nhà ngoại giao bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề tại một cuộc họp bên lề diễn đàn an ninh ở Đức vào cuối tuần trước, cho thấy mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn sâu sắc hơn nhiều so với vụ "khí cầu gián điệp" hồi đầu tháng này.

"Tôi không nghi ngờ mong muốn thiết lập hòa bình của Bắc Kinh, nhưng đề xuất này cũng có vẻ khó tin. Để đề xuất của họ đáng tin cậy, Trung Quốc phải là một bên trung gian độc lập. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng đã chọn một bên trong cuộc xung đột này," ông Raffaello Pantucci, chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra, mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin khoảng 4 lần trong khoảng thời gian này. Bắc Kinh cũng nhiều lần bảo vệ một số lý do Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó đáng chú ý nhất là để chống lại sự mở rộng của NATO, nhưng nhấn mạnh rằng họ không ủng hộ cuộc xung đột.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, rủi ro đã tăng lên đối với Bắc Kinh. Ngoài thiệt hại ngắn hạn đối với nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cũng ngày càng bị Mỹ và châu Âu coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược, khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trước các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đa phương, hạn chế đầu tư và các biện pháp khác có thể cản trở triển vọng tăng trưởng dài hạn của họ.

Mặc dù Trung Quốc chưa công bố chi tiết về kế hoạch hòa bình Nga - Ukraine, nhưng ông Vương cho biết đề xuất này sẽ bao gồm kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các cơ sở hạt nhân và phản đối việc sử dụng vũ khí sinh hóa. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng việc Nga rút quân ở Ukraine phải là một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Các quan chức châu Âu quen thuộc với kế hoạch trên cho biết, kế hoạch dự kiến sẽ bao gồm kêu gọi ngừng bắn và ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Đối với Trung Quốc, đề xuất hòa bình giúp xây dựng hình ảnh của ông Tập Cận Bình như một chính khách toàn cầu đồng thời định hình kết quả mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Mặc dù Trung Quốc đã hỗ trợ về mặt ngoại giao cho Nga kể từ khi xung đột nổ ra, song gần đây các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách tạo khoảng cách với Moscow.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hồi đầu tháng 1, tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết quan hệ giữa hai nước dựa trên "ba không": không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào. Ngay cả khi ông Vương Nghị cáo buộc Mỹ can thiệp, thậm chí cưỡng ép liên quan đến mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, ông cũng nhấn mạnh rằng hai nước không phải là đồng minh và không tìm cách hợp tác chống lại bất kỳ bên nào.

Theo Tiến sĩ Henry Huiyao Wang, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh, việc nhấn mạnh yếu tố "không liên minh" cho thấy Bắc Kinh đang điều chỉnh các chính sách của mình đối với Nga, nhưng Mỹ và phương Tây không chú ý đến điều đó.

Ông Zhou Bo, một đại tá đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết "tình hữu nghị không giới hạn" của Nga và Trung Quốc chỉ là "tuyên bố hoa mỹ" và không nên hiểu theo nghĩa đen.

"Phương Tây đã rất lo lắng về tình hữu nghị không giới hạn này. Tôi thực sự ngạc nhiên tại sao họ lại nhạy cảm về vấn đề này như vậy", ông Zhou nói, đồng thời cho biết việc Bắc Kinh phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng là điều đương nhiên.

Theo Bloomberg