1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những vết sẹo vĩnh viễn không lành từ vụ khủng bố 11/9

Thanh Thành

(Dân trí) - Grandcolas vẫn nhớ như in lúc ông thức dậy lúc 7h03 sáng ngày 11/9/2001. Nhìn ra cửa sổ, ông thấy một hình ảnh lạ trên bầu trời, thoáng qua giống như một thiên thần đang bay lên.

Jack Grandcolas chưa biết hình ảnh đó là gì. Nhưng cũng từ buổi sáng hôm đó, cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi.

Những vết sẹo vĩnh viễn không lành từ vụ khủng bố 11/9 - 1

Jack Grandcolas ngồi nhìn ra biển gần nhà ở Pebble Beach, California hôm 18/8, nhớ về người vợ đã mất trong cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 (Ảnh: AP).

Khắp nước Mỹ dồn dập tin tức về một vụ tấn công khủng bố, lúc đó là 10h03 và chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng United Airlines vừa lao xuống cánh đồng ở bang Pennsylvania, Mỹ.

Vợ ông, cô Lauren, đáng lẽ không có mặt trên chuyến bay 93 đó. Vì vậy, bật ti-vi lên, khi những cảnh thảm khốc của ngày 11/9/2001 hiện ra ngay trước mắt, ông không lo cho vợ. Nhưng sau đó, Grandcolas nhìn thấy đèn xanh nhấp nháy trên máy trả lời tự động.

Các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã khiến tổng cộng 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương, trở thành vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Lauren đã gửi 2 tin nhắn vào sáng hôm đó, khi Grandcolas đang ngủ và tắt chuông điện thoại. Đầu tiên là một tin tốt lành. Cô đã đáp chuyến bay sớm hơn từ New Jersey đến San Francisco để về nhà. Sau đó, cô gọi chồng khi đang ở trên máy bay. "Có một vấn đề nhỏ", Lauren cho biết, nhưng sau đó cô nói "mọi việc đã ổn hơn". Grandcolas nhớ lại, Lauren đã không nói rằng cô ấy sẽ gọi lại. Cô chỉ nói: "Em yêu anh hơn tất cả, chỉ cần biết vậy thôi. Hãy nói với gia đình rằng, em cũng yêu họ rất nhiều. Tạm biệt anh yêu".

"Khoảnh khắc đó tôi lại nhìn qua ti vi. Họ nói máy bay lao xuống đất gây ra cái hố lớn trên mặt đất ở Pennsylvania. Đó là chuyến bay 93 của hãng United Airlines", ông Grandcolas, lúc đó 38 tuổi, kể với hãng tin AP. "Đó là lúc tôi ngã quỵ".

Tất cả 44 người trên máy bay đều thiệt mạng. Vợ ông khi đó cũng 38 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng. "Cô ấy đến New Jersey dự đám tang của bà mình và sau đó ở lại thêm vài ngày để thông báo về việc mang thai - một chút "tin tốt lành để vực dậy tinh thần của cha mẹ và chị gái sau khi chôn cất bà", Grandcolas nói.

Chuyến bay 93 là chiếc máy bay thứ tư và cũng là máy bay cuối cùng bị tấn công vào ngày 11/9/2001 bởi những kẻ khủng bố Al-Qaeda, trong một nhiệm vụ liều chết nhằm vào tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington.

Những vết sẹo vĩnh viễn không lành từ vụ khủng bố 11/9 - 2

Một tấm bảng tưởng nhớ Lauren Grandcolas, người thiệt mạng trên chuyến bay 93, tại thành phố Union, California (Ảnh: AP).

Hai vụ tấn công đầu tiên nhằm vào tòa tháp đôi chọc trời của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York và nhằm vào Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington. Nhận thấy đây một phần của cuộc tấn công quy mô lớn hơn, phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay 93 đã quyết liệt chống lại bọn không tặc. Và máy bay đã lao xuống cánh đồng thay vì lao vào tòa nhà quốc hội.

"Những gì họ đã làm thật đáng kinh ngạc. Đó là một hành động quên mình để chiến thắng cái ác", ông Grandcolas nói.

Các kế hoạch chống trả đã được chuyển tiếp trong các cuộc gọi điện thoại và được ghi lại trên máy ghi âm buồng lái, mặc dù nhiều gia đình không bao giờ biết vai trò cụ thể của những người thân trên chuyến bay ra sao.

Grandcolas tin rằng, vợ ông cũng tham gia vào nỗ lực trên. Là một tư vấn viên bán hàng, Grandcolas cho biết vợ ông là một người mạnh mẽ, hướng ngoại và được đào tạo để trở thành một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp vì cô muốn có thể giúp đỡ mọi người trong tình thế nguy cấp.

"Lauren là người rất năng động, cô ấy sẽ không ngồi yên đó mà nhìn", Grandcolas nói. Grandcolas tưởng tượng vợ mình đã tham gia vào kế hoạch chống lại những kẻ không tặc như thế nào để giành quyền điều khiển máy bay, thu thập thông tin và biết rằng thời gian không còn nhiều nữa. 

"Nó vẫn khiến tôi đau thắt"

Trong nhiều năm, ông Grandcolas luôn nhắc đến cụm từ "lễ kỷ niệm 11/9". Đó là một ngày để tưởng niệm những người đã mất. Nhưng lễ kỷ niệm 20 năm là một ngày quan trọng, ông Grandcolas nói và cho biết năm nay ông có kế hoạch đến Pennsylvania để thăm Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93.

Pennsylvania đã tham dự 2 lễ tưởng niệm hàng năm đầu tiên tại địa điểm rơi máy bay Pennsylvania nhưng sau đó không đến nữa vì thấy quá đau đớn. Thay vào đó, trong những năm sau, vào ngày 11/9, Grandcolas luôn làm những việc mà người vợ Lauren yêu thích, như đi xe đạp hoặc đi dạo yên tĩnh trên bãi biển.

"Mỗi năm, nó vẫn khiến tôi đau thắt. Chúng ta sẽ sống với những vết sẹo trong suốt phần còn lại của cuộc đời", Grandcolas nói trong một cuộc phỏng vấn ở Pebble Beach, California.

Grandcolas đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và cảm giác tội lỗi của người sống sót sau thảm kịch. Grandcolas đã phải đăng ký trị liệu ở bệnh viện, luôn xem tin nhắn cuối cùng của người vợ quá cố như để trấn an mình và gia đình cô. "Nó khiến chúng tôi cảm giác cô ấy ổn với những gì đang diễn ra", ông nói.

Grandcolas cuối cùng đã tái hôn và chuyển ra khỏi ngôi nhà mà ông và Lauren đã mua ở San Rafael, California. Hiện nay, Grandcolas, một giám đốc điều hành công ty quảng cáo, đã nghỉ hưu và đang dành thời gian để viết một cuốn sách về những nỗi đau và cả sự tưởng nhớ đối với người vợ và đứa con chưa chào đời. Cuốn sách dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 4/2022, khi đứa trẻ tròn 20 tuổi nếu chào đời.

Trước lễ kỷ niệm 20 năm sau ngày tấn công khủng bố kinh hoàng, Grandcolas nhớ lại một nước Mỹ đoàn kết sau ngày 11/9, điều mà ông coi là trái ngược hoàn toàn với sự chia rẽ ngày nay. "Có lẽ giờ là thời điểm để hàn gắn những chia rẽ", Grandcolas nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm