1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã 3 giả thiết liên quan đến vụ 11/9

Khắc Nam

(Dân trí) - Các vụ khủng bố 11/9 đã qua đi 20 năm qua nhưng các thuyết âm mưu vẫn tràn ngập thế giới. Nhân dịp kỷ niệm này, tạp chí Popular Mechanics (PMC) đã giải mã một số nghi vấn liên quan tới vụ tấn công.

Giải mã 3 giả thiết liên quan đến vụ 11/9 - 1

Tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York bị sụp đổ trong vụ tấn công 11/9 (Ảnh: Getty).

Vì sao tòa tháp đôi bị sập?

Nghi ngờ: Chiếc máy bay bị không tặc đầu tiên đâm xuyên từ tầng 94 đến tầng 98 của tòa tháp Bắc 110 tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York (Mỹ) vào sáng ngày 11/9/2001; chiếc máy bay thứ hai lao vào tầng 78 đến tầng 84 của Tòa tháp Nam 110 tầng. Tác động của vụ va chạm và vụ cháy xảy ra sau đó đã ngay lập tức làm gián đoạn dịch vụ thang máy ở cả hai tòa nhà. Thêm vào đó, các hành lang của cả hai tòa nhà đã bị hư hại trước khi các tòa tháp sụp đổ.

"Không thể nào mà máy bay lại có thể gây thiệt hại trên diện rộng đối với hơn 80 tầng phía dưới như vậy", một nghi vấn được đăng tải trên trang Trung tâm truyền thông độc lập San Diego (sandiego.indymedia.org) viết. "Rõ ràng và không thể bác bỏ là các vụ nổ khác (… như các vụ nổ bom chấn động) đã được kích hoạt tại các tầng dưới của tòa tháp cùng thời điểm máy bay đâm.

Sự thật: Sau báo cáo sơ bộ tháng 5/2002 của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) - chi nhánh của Bộ Thương mại Mỹ, cũng đã đưa ra một báo cáo khác vào mùa xuân năm 2005. Cuộc điều tra của NIST cho thấy các mảnh vỡ máy bay đã cắt xuyên qua trục của tháp Bắc, tạo ra một đường ống dẫn để đốt nhiên liệu của máy bay và gây đám cháy khổng lồ bao trùm tòa nhà. Forman Williams, cố vấn NIST và là chuyên gia về đốt cháy cho hay: "Rất khó để biết nhiên liệu đã rơi đi đâu, nhưng nếu nó phun ra và bắt lửa, điều đó sẽ khiến khu nhà nổ tung".

Việc đốt cháy nhiên liệu di chuyển xuống các trục thang máy, làm gián đoạn hệ thống thang máy và gây ra thiệt hại lớn cho các hành lang. NIST đã nghe lời khai của nhân chứng đầu tiên rằng "một số thang máy bị sập tức thì" và rơi xuống tầng trệt. James Quintiere, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Maryland và là cố vấn của NIST cho biết: "Các cánh cửa bị mở trên sảnh giúp ngọn lửa bùng lên làm mọi người thiệt mạng".

Một bằng chứng tương tự được ghi lại trong bộ phim tài liệu của Pháp về 11/9 do Jules và Gedeon Naudet thực hiện. Khi Jules Naudet bước vào sảnh tháp Bắc, vài phút sau khi chiếc máy bay đầu tiên va chạm, anh nhìn thấy các nạn nhân bốc cháy, cảnh tượng mà Naudet thấy kinh hoàng nên nhanh chóng ghi lại được.

Nhìn lại những khoảnh khắc thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9

Thép tòa tháp đôi WTC bị nóng chảy?

Nghi ngờ: Trang web AttackOnAmerica.net cáo buộc rằng: "Chúng ta đã bị lừa". "Lời nói dối đầu tiên là nhiên liệu từ máy bay là nguyên nhân dẫn đến hỏng kết cấu thép. Thực tế, không một ngọn lửa bằng xăng dầu nào có đủ sức nóng để hóa lỏng sắt thép cả", bài báo nghi ngờ.

Sự thật: Nhiên liệu máy bay cháy ở 427-815 độ C, không đủ nóng để nấu chảy thép (khoảng 1510 độ C). Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý, để các tòa tháp sụp đổ, khung thép không cần phải nóng chảy mà chỉ cần mất đi một phần sức mạnh kết cấu, nên mức nhiệt ít hơn so với mức nóng chảy cũng gây ảnh hưởng.

Phó giám đốc Sở cứu hỏa New York nay đã nghỉ hưu Vincent Dunn nói: "Tôi chưa bao giờ thấy thép nóng chảy trong một vụ cháy tòa nhà, nhưng tôi đã thấy rất nhiều thép bị xoắn cong vênh, và chảy xệ. Điều xảy ra là thép biến dạng ở cả hai đầu, nhưng khi không thể giãn nở ra được nữa, nó bị chùng xuống và bê tông xung quanh nứt ra".

Kỹ sư cấp cao Farid Alfawak-hiri từ Viện Xây dựng Thép Mỹ nhận định: "Thép mất khoảng 50% độ bền khi ở 593 độ C, và ở 982 độ C độ cứng chỉ còn dưới 10 phần trăm". NIST cũng tin rằng phần lớn lớp cách nhiệt chống cháy dạng phun có khả năng bị văng khỏi các dầm thép nằm trên đường va chạm của máy bay, khiến kim loại dễ bị tác động bởi nhiệt hơn.

Forman Williams, giáo sư kỹ thuật tại Đại học California, San Diego, cho hay máy bay không phải là thứ duy nhất gây cháy bởi trong khi nhiên liệu máy bay là chất xúc tác cho hỏa hoạn thì còn nhiều chất trợ cháy khác ở chính tòa tháp như thảm, rèm cửa, đồ nội thất và giấy. Theo báo cáo của NIST, tại trung tâm đám cháy, nhiệt độ ngọn lửa đo được lên tới khoảng 1000 độ C,

"Nhiên liệu máy bay là nguồn đánh lửa. Nó có thể cháy trong 10 phút, và tòa tháp vẫn đứng yên trong 10 phút. Phần còn lại của những thứ cháy được sau đó là nguyên nhân dẫn đến sự tăng và truyền nhiệt lên cao khiến tòa nhà sụp đổ", Forman Williams nhận định.

Mây bụi khổng lồ do đâu mà ra?

Nghi ngờ: Khi từng tòa tháp sụp đổ, người ta nhìn thấy rất rõ những luồng bụi khổng lồ kèm theo những mảnh vỡ văng ra từ các phía của tháp. Một quảng cáo cho cuốn sách "Những câu hỏi nhức nhối: Phân tích về vụ tấn công ngày 11/9" viết: "Những đám mây bụi bắn ra khỏi các tòa nhà có thể không phải do sự cố sập, mà là do các vụ nổ bên trong". Nhiều thuyết âm mưu dẫn lời Van Romero, chuyên gia về chất nổ và là phó chủ tịch của Viện Khai mỏ và Công nghệ New Mexico rằng "có một số thiết bị nổ bên trong các tòa nhà khiến các tòa tháp sụp đổ. Sự sụp đổ của các cấu trúc giốngnhững vụ nổ có kiểm soát được sử dụng để phá hủy các cấu trúc cũ".

Sự thật: Khi một tòa nhà bất kỳ bắt đầu sụp đổ, trọng lượng của tất cả các tầng phía trên tác động trực tiếp xuống tầng nguyên vẹn phía dưới là rất lớn. Không thể tải được sức va chạm khổng lồ, tầng đó sẽ bị hỏng, truyền lực tiếp xuống tầng bên dưới, gây ra sự sụp đổ dây chuyền. 

Giống tất cả các tòa nhà văn phòng khác, tòa tháp đôi WTC chứa một lượng không khí khổng lồ. Khi chúng xoay tròn, không khí đó cùng với khói bụi bê tông và các mảnh vỡ khác bị nghiền nát bởi lực của vụ sụp đổ được phóng ra với một năng lượng khổng lồ.

"Khi sàn bị sập, nó sẽ bắn không khí và bụi bê tông ra ngoài qua cửa sổ, giống như khi ta đập một chiếc hộp rỗng", điều tra viên chính của NIST, Shyam Sunder nói. Ông Sunder còn cho biết thêm, những đám mây bụi đó có thể tạo ra ấn tượng về một sự phá hủy có kiểm soát, "nhưng chính sự đổ vỡ của sàn nhà dẫn đến sự suy đoán này".

Liên quan đến giả thiết trên, chuyên gia về chất nổ Van Romero lấy làm tiếc những bình luận trên của ông trở thành "miếng mồi" những người theo thuyết âm mưu. "Tôi đã bị trích sai lời khi nói rằng tôi nghĩ đó là chất nổ đã phá hủy tòa nhà. Tôi chỉ nói rằng đó là những gì trông giống như thế", Romero đính chính. Romero nhấn mạnh rằng ông đồng ý với kết luận khoa học rằng hỏa hoạn khiến các tòa nhà của WTC bị sập.