1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những tình huống bất ngờ trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam

(Dân trí) - “Một điều dường như là nguyên tắc của an ninh Mỹ, đó là sự bất thường và không lặp lại. Lúc Tổng thống đi sớm hơn, lúc đi muộn hơn so với lịch trình và thường đi một đường, về một đường khác để đánh lạc hướng những ai tò mò”, một sĩ quan cảnh vệ nhớ lại.

Sự chuyên nghiệp của người Mỹ

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam diễn ra ngày 23/5 tới sẽ đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam- Mỹ trên tất cả các lĩnh vực. Công tác chuẩn bị cho chuyến thăm đang dần được hoàn tất.

Trước ông Obama, từng có hai tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam là ông Bill Clinton và George Bush trong nỗ lực nhằm nối lại quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác. Như bất kỳ chuyến công du nào của Tổng thống Mỹ ra nước ngoài, yêu cầu an ninh cũng ở mức cao nhất và các trang thiết bị mà Mỹ chuyển đến nước chủ nhà để đảm bảo an ninh cho nguyên thủ cũng thuộc hàng “khủng” nhất thế giới.

Nhắc về chuyến thăm Việt Nam của ông Bill Clinton vào tháng 11/2000, nhiều cán bộ an ninh từng trực tiếp tham gia quá trình chuẩn bị và đón tiếp cùng chung nhận định, có quá nhiều kỷ niệm rất… rất đặc biệt.

Thiếu tướng Lương Văn Khang – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) nhớ lại:

“Sự lo lắng của an ninh Mỹ vào thời điểm đó cũng dễ hiểu bởi Tổng thống của họ sắp đến thăm một nước cựu thù. Nhiều tháng trước đó, những chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho công tác an ninh diễn ra dày đặc. Phía Mỹ đòi hỏi thực hiện tiêu chuẩn an ninh rất cao.

Họ yêu cầu phải có xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo cao xạ. Thậm chí, họ đề nghị được triển khai máy bay, chó nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật… vào tận Phủ Chủ tịch và nhiều cơ quan trung ương. Sau nhiều lần “đàm phán” khá căng thẳng, phía ta khéo léo nhưng kiên quyết từ chối những yêu cầu như vậy.


Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào một nhà hàng tại phố Hàng Bông (Hình ảnh chụp vào sáng 18/11/2000 - Ảnh tư liệu)

Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào một nhà hàng tại phố Hàng Bông (Hình ảnh chụp vào sáng 18/11/2000 - Ảnh tư liệu)

Phía mật vụ Mỹ khi đó có phản ánh lên cơ quan ngoại giao rằng, cảnh vệ Việt Nam không tạo điều kiện. Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của ta là đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối và giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia. Lực lượng cảnh vệ Việt Nam phải nắm vai trò chính, phía mật vụ Mỹ chỉ giữ vai trò phối hợp”.

Là người luôn đi sát Tổng thống Bill Clinton, nhiều sĩ quan cận vệ thuộc Phòng 7 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có thể cảm nhận rõ "sức nóng" của các mật vụ Mỹ đi theo bảo vệ. “Việc cảnh vệ Mỹ thậm chí sẵn sàng "xô đẩy" các quan chức Việt Nam ở những địa điểm đông người là có. Không khí có phần căng thẳng vào nhiều thời điểm”, một sĩ quan cảnh vệ cho biết.

Thượng tá Bùi Văn Khoan – Trưởng Phòng Bảo vệ khách quốc tế và mít tinh hội nghị (gọi tắt là Phòng 7) Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nhớ lại: Phục vụ cho chuyến thăm, phía Mỹ đưa sang hàng chục tấn thiết bị. Người giữ vai trò liên lạc giữa an ninh ta với phía Mỹ là một nhân viên an ninh gốc Việt họ đưa từ Thái Lan sang. Người này chúng tôi thường gọi là Chung. Bên cạnh các hoạt động mang tính lễ nghi đã được hai bên thống nhất từ trước, “mệt” nhất là các hoạt động ngoài chương trình. Có chương trình họ không báo trước với ta, nhưng qua nhiều phương thức ta cũng nắm được.

“Khi đó, phía cơ quan cảnh vệ Việt Nam đã liên hệ, yêu cầu cơ quan mật vụ Mỹ phải cung cấp thông tin trước ít nhất 5 tiếng, nếu có chuyện gì phía các bạn phải chịu trách nhiệm. Sau đó phía Mỹ tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận này”.

Vượt trên tất cả những nghi lễ và quy định an ninh, ông Clinton đã để lại những ấn tượng đẹp ngay từ chuyến công du Việt Nam đầu tiên với những cử chỉ thân thiện khi ông tươi cười và bắt tay với người dân.

Những tình huống bất ngờ với Tổng thống G.W.Bush

Cũng giống như các chuyến thăm của đoàn khách quốc tế khác, công tác bảo vệ các Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam được Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ. Tuy nhiên, nhiều khi vẫn có những tình huống bất ngờ.

Sau khi nhận được công văn của Bộ Ngoại giao về việc Tổng thống Hoa Kỳ, G.W.Bush và phu nhân sang thăm chính thức nước ta và dự Hội nghị cấp cao APEC 14, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chỉ đạo Phòng 7 chọn một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm và có năng lực bảo vệ tiếp cận. Sau khi tính toán, chỉ huy Phòng 7 thống nhất chọn cán bộ chiến sĩ trong gần 400 CBCS của đơn vị vào tổ bảo vệ Tổng thống G.W.Bush. Trong đó Thượng tá Võ Văn Quang và hai cận vệ Vũ Huy Cẩn, Nguyễn Xuân Luyện thực thi nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Tổng thống.


Tổng thống Mỹ G.W.Bush chụp ảnh cùng tổ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an)

Tổng thống Mỹ G.W.Bush chụp ảnh cùng tổ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an)

Trước hội nghị nhiều tuần, đoàn tiền trạm phía Mỹ đã sang Việt Nam khảo sát một số khách sạn ở Hà Nội. Họ quyết định chọn khách sạn Sheraton vì có hệ thống giao thông ra, vào thuận tiện; có tầng hầm để Tổng thống và đoàn có thể lên ô tô ngay trong nhà rồi đi đến các địa điểm hoạt động mà mọi người cũng không biết Tổng thống ngồi xe nào. Đặc biệt, khách sạn Sheraton có vị trí lý tưởng để quan sát, phát hiện kịp thời những tình huống bất thường.

Thượng tá Võ Văn Quang kể lại 3 ngày tiếp cận bảo vệ Tổng thống G.W. Bush: “Trước chuyến thăm chính thức, chúng tôi đã nhận được chương trình và thời gian làm việc của Tổng thống Mỹ, nhưng thực tế hầu như thay đổi. Qua thêm lần đón này mới nhận ra một điều dường như là nguyên tắc của an ninh Mỹ: Sự bất thường và không lặp lại. Lúc Tổng thống đi sớm hơn, lúc đến muộn hơn so với lịch trình và thường đi một đường, về một đường khác để đánh lạc hướng những ai tò mò. Có kinh nghiệm từ chuyến thăm của ông Bill Clinton vào năm 2000, tôi và anh em trong đơn vị vẫn chủ động bám sát Tổng thống trong bất kỳ tình huống và thời gian nào”.


Sau khi kết thúc buổi làm việc cuối cùng tại Hà Nội, Tổng thống Bush mời tôi và nhóm chiến sĩ cảnh vệ tiếp cận lên phòng nghỉ tại khách sạn Sheraton chụp ảnh. Một tháng sau, Văn phòng Nhà Trắng gửi tới tận tay tôi bức ảnh này cùng danh thiếp của Tổng thống Mỹ, Thượng tá Võ Văn Quang cho biết.

"Sau khi kết thúc buổi làm việc cuối cùng tại Hà Nội, Tổng thống Bush mời tôi và nhóm chiến sĩ cảnh vệ tiếp cận lên phòng nghỉ tại khách sạn Sheraton chụp ảnh. Một tháng sau, Văn phòng Nhà Trắng gửi tới tận tay tôi bức ảnh này cùng danh thiếp của Tổng thống Mỹ", Thượng tá Võ Văn Quang cho biết.

Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam mang theo rất nhiều loại xe đặc chủng. Đặc biệt có hai chiếc xe Cadillac One ba khoang màu đen giống hệt nhau, đều mang biển kiểm soát 800 – 002. Hai chiếc xe bọc thép này lúc nào cũng đi liền nhau và có thể đảo vị trí khi cần thiết. Áp sát phía sau là xe đặc chủng có thể chống được cả đạn súng trường.

Khi đón Tổng thống Bush ở các địa điểm, Thượng tá Quang rất lo lắng vì không nắm được mật vụ tiếp cận phía Mỹ đưa Tổng thống của họ đi đường nào ra nên anh cùng các đồng chí trong tổ nhanh chóng hội ý và thống nhất mỗi người quan sát một cửa và liên tục liên lạc với nhau.

Có một chi tiết nhỏ nhưng nói lên sự chuyên nghiệp của cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Một sĩ quan cận vệ kể lại: “Tôi được biết, vào thời điểm Tổng thống Bush đang ở Hà Nội, trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) xảy ra một vụ hỏa hoạn. Chỉ ít giờ sau, phía Mỹ đưa cho ta xem một bức không ảnh ghi lại ánh sáng phát ra từ đám cháy do vệ tinh ghi lại. Chỉ khi ta khẳng định đó đơn thuần là vụ cháy nhỏ, phía bạn mới yên tâm”.

Từng trải qua hai kỳ bảo vệ Tổng thống Mỹ tại Hà Nội, thượng tá Bùi Văn Khoan rút ra nhận định: “Đoàn Mỹ mang tính chất đặc thù: Chuẩn bị rất rầm rộ và đòi hỏi rất khắt khe. Nhưng khi lịch trình và công tác an ninh đã thống nhất, họ tuân thủ rất nghiêm túc, chuyên nghiệp”.

Một sĩ quan cận vệ tâm sự, từng tham gia bảo vệ an ninh cho nhiều nguyên thủ các nước trên thế giới đến Việt Nam an toàn tuyệt đối, nhưng với Mỹ thì vẫn cứ khác biệt hơn, lạ hơn. Mệt nhưng vẫn thú vị, vì có chuyện để mà kể.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm