Những tín hiệu tích cực ban đầu về siêu biến chủng Omicron
(Dân trí) - Quan chức tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chuyên gia hàng đầu của Mỹ đều đưa ra những nhận định tương đối tích cực về siêu biến chủng Omicron dựa trên dấu hiệu sơ bộ.
Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 7/12 cho biết mặc dù vẫn còn nhiều điều cần làm rõ về biến chủng Omicron mới, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy biến chủng này không gây ra các triệu chứng nặng hơn cho người bệnh khi nhiễm, so với biến chủng Delta hay các chủng virus trước.
"Dữ liệu sơ bộ không cho thấy biến chủng này nghiêm trọng hơn", ông Ryan cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời nhấn mạnh cần phải nghiên cứu thêm.
"Đây vẫn là những dấu hiệu rất sớm. Chúng ta cần thận trọng diễn giải các tín hiệu đó", quan chức WHO nói.
Theo ông Ryan, không có dấu hiệu nào cho thấy Omicron hoàn toàn né tránh lá chắn bảo vệ từ vaccine Covid-19.
"Chúng ta có những loại vaccine hiệu quả cao mà cho đến nay đã chứng minh được hiệu quả đối với tất cả các biến chủng, giảm nguy cơ bệnh nặng và nhập viện", chuyên gia của WHO cho biết.
Viện dẫn các dữ liệu từ Nam Phi - nơi đầu tiên phát hiện Omicron, ông Ryan khẳng định vaccine hiện thời ít nhất vẫn có khả năng bảo vệ trước biến chủng mới.
Trong cuộc chiến chống lại tất cả biến chủng Covid-19, ông Ryan khẳng định "vũ khí tốt nhất mà chúng ta có ngay bây giờ là tiêm phòng".
Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi chỉ ra rằng biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng trước đó, nhưng tiến sĩ Ryan cho rằng đây không phải điều bất ngờ.
"Khi bất kỳ biến chủng mới nào xuất hiện, nó sẽ có xu hướng dễ lây lan hơn, bởi vì nó phải cạnh tranh với các biến chủng trước đó", ông Ryan nói.
Tiến sĩ Ryan cho biết Omicron có thể sẽ dần thay thế Delta và trở thành chủng vượt trội, nhưng "chúng tôi không quá quan tâm đến việc liệu có thể tái nhiễm Omicron hay không, mà là liệu các trường hợp nhiễm mới có triệu chứng nặng hay nhẹ".
Cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci ngày 7/12 cũng nói rằng dấu hiệu sơ bộ cho thấy, biến chủng Omicron có thể lây nhiễm cao hơn Delta nhưng "gần như chắc chắn" không nghiêm trọng hơn.
"Có một số dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron thậm chí có thể ít nghiêm trọng hơn Delta, vì khi nhìn vào một số nhóm đang được theo dõi ở Nam Phi, tỷ lệ giữa ca nhập viện trên ca nhiễm dường như thấp hơn so với chủng Delta", Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết.
Theo ông Fauci, "cần thêm ít nhất vài tuần nữa" để kiểm chứng dữ liệu từ Nam Phi. "Sau đó, khi chúng ta ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn trên toàn thế giới, có lẽ còn mất nhiều thời gian hơn để đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron", ông Fauci cho biết thêm.
Ông Fauci cho biết một chủng virus dễ lây lan hơn, nhưng không gây bệnh nặng hơn và không khiến số ca nhập viện và tử vong tăng lên vẫn là "tình huống tốt nhất". Theo cố vấn Nhà Trắng, tình huống xấu nhất là chủng virus "không chỉ có khả năng lây nhiễm cao, mà còn gây ra bệnh nặng và sau xuất hiện đợt dịch mới".
Biến chủng Omicron hiện đã lan ra 17 bang của Mỹ và khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước ở khu vực châu Phi do lo ngại Omicron. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học tin rằng, mối lo ngại về Omicron đang bị thổi phồng quá mức.