Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (4)
Một chiều thứ sáu mới đây, Yoshimi Kawakami đứng chờ trên một bậc cửa ở Kyoto, trong lòng đã nghĩ trước sẽ không được ai đón tiếp. Điều này từng xảy ra với cô trong trời tuyết rơi ở Tokyo và giữa cái nóng giữa mùa hè Kyoto.
Giờ đây, cô đã chờ mất 2 tiếng hay hơn thế, mong sao lần này sẽ có người ra mở cửa.
Đó là công việc của một “chị gái cho thuê”, biệt danh của các nhà tư vấn lưu động ở New Start. “Chị” thường là đầu mối giao tiếp đầu tiên của hikikomori và đưa cậu vào con đường quay trở lại thế giới bên ngoài (Cũng có một số “anh trai cho thuê”, nhưng “phụ nữ mềm mỏng hơn, và hikikomori có phản ứng tốt hơn với họ”, một nhà tư vấn cho biết).
Mối quan hệ thường có bước khởi đầu, sau khi một phụ huynh gọi điện cho New Start và thu xếp các buổi tư vấn và những chuyến thăm của một người “chị cho thuê”, chi phí khoảng 8.000 USD/năm. “Chị” viết thư cho hikikomori, giới thiệu về mình và chương trình.
“Tôi chẳng bao giờ đọc thư, tôi toàn vứt nó đi”, Y.S, chàng trai 28 tuổi có nụ cười bẽn lẽn, kể.
Khi Kawakami lần đầu tiên đến nhà anh ở Chiba, gần Tokyo, Y.S. mở cửa phòng ngủ chỉ để nói với cô: “Xin hãy về nhà đi”.
Đó là một cuộc gặp gỡ đầu tiên điển hình. “Chúng tôi thường sẽ nói chuyện qua cánh cửa”, Kumi Hashizumi kể, “và nói cho họ biết những sở thích và mối quan tâm của chúng tôi. Rất hiếm khi chúng tôi được nghe một từ nào đáp lại. Và nếu họ lên tiếng thì cũng rất dè chừng”.
Hàng tháng trời trôi qua một hikikomori mới chịu mở cửa phòng và hàng tháng trời nữa trước khi họ chịu bước ra ngoài để đi xem phim hay chơi công viên cùng “chị”. Mục đích là cuối cùng anh ta sẽ tham gia vào chương trình New Start, sống trong ký túc xá và tham gia vào các chương trình đào tạo nghề, tại một trung tâm chăm sóc trẻ em, một quán café, một nhà hàng.
Y.S. là một ca khó đối với Kawakami. Khi cô đến lần thứ 2, Y.S. lại không chịu mở cửa. “Tôi nói với cậu ấy rằng tuyết đang rơi và tôi có thể sẽ đứng đó suốt đêm cho đến khi cậu ấy ra ngoài nói chuyện với tôi”, cô nhớ lại. Kawakami, 31 tuổi, trẻ trung với chiếc váy ngắn, mắt kẻ màu xanh nước biển. Cô nghịch ngợm dỗ dành với các khách hàng hikikomori, như thể mình là một bà chị đang dỗ ngọt một đứa em trai ngang bướng.
“Hôm đó cậu ấy bước ra ngoài, ngồi thẳng đờ trong phòng khách suốt 2 giờ đồng hồ trong khi tôi và một người khác ở chương trình New Start nói chuyện với cậu ấy về mình và chương trình”, cô kể.
Đến chuyến thăm thứ 5, Y.S. vẫn không lên tiếng. Vì vậy, Kawakami đề nghị anh viết một bức thư kể về bản thân. Y.S. không còn nhớ mình đã viết gì, nhưng Kawakami thì nhớ: Chàng trai nói ngày sinh của mình và kể rằng mình thích làm những mô hình ôtô bằng nhựa: “Tôi biết rằng tình trạng của tôi rất tồi tệ, nhưng tôi không biết giải quyết bằng cách nào. Đây có thể là cơ hội để thay đổi. Nhưng tôi không biết có làm được điều đó hay không”.
Khi Kawakami đề nghị Y.S làm một mô hình ôtô cho các trẻ em tại trường mẫu giáo, 2 tuần sau anh đem đến cho cô một chiếc, được lắp ráp và tô vẽ rất tỉ mỉ. “Trông cậu ấy rất vui mừng, như thể cậu ấy chưa từng được đề nghị làm một điều gì đó cho người khác. Cậu ấy chỉ ngồi trong phòng mình suốt ngày, không ai đòi hỏi cậu làm việc gì và cậu cũng không làm gì để thể hiện giá trị của mình”.
Trong 6 tháng tiếp theo, cô đến thăm anh cách tuần một lần. Kawakami khích lệ Y.S. đặt ra mục tiêu là rời nhà mình trước dịp sinh nhật tiếp theo. Trước ngày anh tròn 28 tuổi, Y.S. chất đồ vào hai cái thùng lên xe của Kawakami và họ phóng xe suốt 2 giờ đồng hồ tới New Start.
Giờ đây, 4 tháng sau, Kawakami đang đứng trước nhà một khách hàng mới, một cựu sinh viên cao học tên là Hiroshi, 26 tuổi, vì những lý do mà cha mẹ của anh và Kawakami đều không rõ, đã thôi đến trường 2 ngày trước. Thỉnh thoảng, anh đi ra ngoài, không ai biết là đi đâu, và dường như toàn nhằm lúc Kawakami tới theo lịch hẹn.
Mặc dù một hikikomori điển hình là một người không bao giờ rời phòng, có nhiều hikikomori cũng đi ra ngoài mỗi ngày hay mỗi tuần một lần. Họ ghé vào một konbini, kiểu quán ăn nhanh 24/24h ở Nhật. Ở đó, họ có thể mua cơm hộp cho bữa sáng, trưa và tối, có nghĩa là họ sẽ không phải nhờ mẹ mình nấu nuớng, và không phải chịu đựng một bữa ăn cùng mọi người.
Và đối với hikikomori, thường sống theo một chu kỳ trái ngược với người bình thường, thức dậy vào buổi trưa và đi ngủ vào lúc sáng sớm, konbini là sự lựa chọn an toàn. Giữa đêm khuya, người bán hàng không tán chuyện, và người làm công ăn lương mặc complet cùng những đứa trẻ mặc đồng phục – vốn gợi cho hikikomori nhớ đến cuộc sống mà họ không có – còn đang ngủ ở nhà.
Theo M.C.
Vnexpress/IHT