1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (2)

Rất khó có con số thống kê chính xác về chứng không ra khỏi phòng ở Nhật. Một nhà tâm lý học hàng đầu khẳng định có 1 triệu người Nhật là hikikomori, tương đương với 1% dân số.

Ngay cả những số liệu ước đoán dè dặt hơn cũng ở tầm 100.000 - 320.000 người, cho thấy vấn đề này đáng lo ngại đến mức nào.

 

Các hikikomori (những người mà kỹ năng chuyên môn và giao tiếp xã hội, nếu có, cũng đã thui chột) càng nhiều tuổi thì khả năng hòa nhập với thế giới càng giảm. Thậm chí, các chuyên gia dự đoán đa số hikikomori ẩn mình từ hơn 1 năm trở lên có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Điều này có nghĩa là cho dù họ ra khỏi phòng, họ sẽ không có một việc làm ổn định hay một mối quan hệ lâu dài. Và một số có thể không bao giờ rời khỏi nhà. Nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ đang gần đến tuổi về hưu, và một khi họ qua đời, số phận của những hikikomori sẽ là câu hỏi mở.

 

Đây không phải là vấn đề chỉ riêng với các hikikomori và gia đình của họ mà cả một đất nước đang phải trầy trật với nền kinh tế xuống dốc, tỷ lệ sinh giảm và sự khủng hoảng trong giới trẻ. Tỷ lệ “chối bỏ trường học” (những đứa trẻ không đi học một tháng hay hơn một năm, đôi khi là bước khởi đầu cho hikikomori) đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Cùng với những người bị chứng hikikomori, hàng trăm nghìn chàng trai và cô gái khác đang không đi học cũng không đi làm. Sau 15 năm kinh tế ì ạch, những công việc ổn định đã giảm mạnh, và thay vào đó là những việc làm bán thời gian, nạn thất nghiệp và sự vô vọng về tương lai đối với nhiều người Nhật.

 

Thêm vào vấn đề kinh tế, văn hóa và giới tính đóng vai trò lớn trong hiện tượng hikikomori. “Các em nam chịu nhiều áp lực trong trường trung học, và mức độ thành công của các em được định hình chủ yếu trong 2 năm”, James Robertson, một nhà nghiên cứu văn hóa tại Đại học Tokyo Jogakkan và là chủ biên cuốn sách Đàn ông và nam tính ở Nhật thời nay, cho biết.

 

“Hikikomori là sự phản kháng đối với áp lực. Một cách tuyên bố: 'Tôi mặc kệ. Tôi không thích áp lực và tôi không thể thích ứng'”, ông bình luận. Hơn nữa, đây là một xã hội mà trẻ em có thể bỏ học. Ở Nhật, việc con cái sống chung với cha mẹ cho đến khi họ hơn 20 tuổi là phổ biến, và mặc dù nền kinh tế đi xuống, nhiều bậc cha mẹ đủ sức để nuôi con cái vô thời hạn, và họ đã làm việc này. Như một chuyên gia hikikomori bình luận: “Các ông bố bà mẹ Nhật bảo con cái mình bay lên trong khi lại nắm chặt cổ chân chúng”.

 

Một hậu quả là xuất hiện một tầng lớp dưới những thanh niên không thể và không chịu tham gia vào lực lượng lao động, tạo ra sự trái ngược với hình ảnh từ lâu của nước Nhật là những con người làm công ăn lương chăm chỉ.  

 

“Chúng tôi từng tin rằng mọi người đều bình đẳng”, Noki Futagami, người sáng lập New Start, bình luận. “Nhưng hố ngăn cách đang lớn dần. Tôi đồ rằng xã hội này sẽ xuất hiện một sự phân cực. Sẽ có một nhóm người có thể ở trong thế giới toàn cầu. Và những người khác, như hikikomori, không thể ở trong thế giới đó”.

 

Vào giữa thập kỷ 1980, những chàng trai ít nói và uể oải, suốt ngày ở lỳ trong phòng bắt đầu xuất hiện trong văn phòng của bác sĩ Tamaki Saito.

 

“Khi đó tôi không biết phải gọi tên hội chứng này là gì”, Saito tâm sự tại bệnh viện Sofukai Sasaki (ngoại ô Tokyo), nơi ông là giám đốc chuyên môn. Saito có giọng nói nhỏ nhẹ, đôi mắt mơ màng và mái tóc dày đen. Trong thập kỷ qua, ông đã trở thành chuyên gia số một của Nhật về hikikomori. Các giá sách của bác sĩ chất đầy những quyển sách của ông về chủ đề này, trong đó có cuốn Làm thế nào để cứu con bạn khỏi hikikomori.

 

“Ban đầu, tôi chẩn đoán đây một dạng trầm uất, rối loạn nhân cách, hay thần kinh phân lập”, Saito cho biết. Nhưng khi bác sĩ phải điều trị con số ngày càng lớn các bệnh nhân với những triệu chứng giống nhau, ông dùng thuật ngữ hikikomori để miêu tả nó.

 

Không lâu sau đó, báo chí bắt đầu khai thác hiện tượng này, gọi những người không ra khỏi phòng là “thế hệ đã mất”, “triệu con người mất tích” và “sự ăn bám xã hội tột cùng”, biến hikikomori thành chủ đề của nhiều quyển sách, bài báo và bộ phim, như phim tài liệu “Ở nhà”. Trong đó, nhà làm phim tìm hiểu về cuộc sống của người em hikikomori của mình. Ngoài ra, hikikomori cũng bị đưa lên các hàng tít lớn, sau những vụ án giật gân, như trường hợp một kẻ tự nhốt mình trong phòng bắt cóc một bé gái 9 tuổi rồi giấu cô bé trong phòng mình suốt gần một thập kỷ.

 

Còn tiếp

 

Theo M.C.

Vnexpress/IHT

Dòng sự kiện: Hikikomori