1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (3)

Tuy nhiên, trong thực tế, đa số hikikomori có sức ì quá lớn và không dám rời nhà mình, chứ chưa nói gì đến chuyện tính làm những việc bạo lực. Thay vào đó, họ có xu hướng chịu trầm uất hay ám ảnh thái quá.

Trong một số trường hợp, những vấn đề tâm lý trên dẫn đến chứng hikikomori. Tuy nhiên, thông thường, chúng là các triệu chứng – hậu quả của hàng tháng trời quẩn quanh trong phòng và trong chính cái đầu của họ.

 

Một hikikomori tắm mất vài giờ đồng hồ mỗi ngày và đeo đôi găng tay dày cỡ dành các nhà du hành vũ trụ để tránh vi trùng (cuối cùng cậu cũng tham gia vào một chương trình đào tạo, vứt cái đôi găng tay khốn khổ kia đi và có được một việc làm). Một người khác thì lau sàn buồng tắm hàng giờ đồng hồ. “Hóa đơn tiền nước cao gấp 10 lần thông thường”, em trai cậu kể. “Cứ như thể anh ấy muốn lau sạch những bụi bẩn trong đầu óc và trái tim mình vậy”.

 

Tamaki Sato, người đã chữa trị cho 1.000 bệnh nhân hikikomori, coi đây là một căn bệnh của gia đình và xã hội. Một phần nguyên nhân là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bậc cha mẹ và con cái. Các phụ huynh gây áp lực lên các cậu con trai, nhất là con cả, muốn họ đạt thành tích xuất sắc trong học tập và sự nghiệp. Những hikikomori thường kể về hàng năm trời phải học vẹt, tiếp theo là những buổi chiều và tối học thêm nhồi nhét để chuẩn bị cho các kỳ thi vào trung học và đại học. Cha mẹ ngày nay lại càng có nhiều đòi hỏi hơn, vì tỷ lệ sinh giảm ở Nhật có nghĩa là họ có ít con hơn để gửi gắm hy vọng, Mariko Fujiwara, giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Học viện Cuộc sống và Sống Hakuhodo ở Tokyo, cho biết. Nếu đứa trẻ không vào được một đại học danh tiếng và một công ty hàng đầu, nhiều bậc cha mẹ và chính các con cái họ, coi đó là một thất bại.

 

“Sau Thế chiến II, nhiều người Nhật chỉ biết đến kiểu tương lai của người làm công ăn lương. Họ thiếu trí tưởng tượng và sáng tạo để nghĩ về thế giới theo một cách mới”, Fujiwara cho biết.

 

Những người làm công ăn lương thời hậu Thế chiến II làm việc không mệt mỏi. Ít ra, họ cũng được đền đáp bằng sự ổn định cả đời. “Thời tôi còn trẻ thì mọi thứ rất đơn giản, đi học trung học, vào Đại học Tokyo (trường đại học danh tiếng nhất nước Nhật)”, Noki Futagami thuộc chương trình New Start kể. “Sau đó, bạn làm việc tại một công ty lớn. Ở đó, bạn trưởng thành. Công ty chăm lo cho bạn suốt phần còn lại của cuộc đời”.

 

Giờ đây, một nền kinh tế toàn cầu gọn nhẹ hơn đòi hỏi những năng lực riêng, những suy nghĩ độc lập, khả năng giao tiếp và sự năng động, mà nhiều bậc cha mẹ và thày cô giáo không dạy cho các em. Thời niên thiếu, các em chỉ được đào tạo để chuẩn bị cho một hệ thống mà giờ đây đã teo tóp, khiến nhiều người cảm thấy bế tắc và không thể thích ứng.

 

Nhiều hikikomori miêu tả những năm học khốn khổ, bị bắt nạt vì quá béo hay quá bẽn lẽn hay thậm chí vì chơi thể thao hay âm nhạc giỏi hơn tất cả những người khác. Cũng giống như câu thành ngữ của Nhật: “Cái đinh nào nhô ra sẽ bị đập bẹp”.

 

Một hikikomori từng bị bắt nạt hồi lớp 5, chỉ vì chơi bóng chày xuất sắc mà không cần phải tập luyện lâu như các bạn khác trong đội. Cha cậu thừa nhận đã không làm gì để giúp con mình: “Chúng tôi bảo nó hãy tự giải quyết vấn đề của mình. Chúng tôi tưởng nó phải mạnh mẽ hơn thế”.

 

Fujiwara cho biết các cha mẹ thị thành có cuộc sống ngày càng biệt lập, tách khỏi gia đình, họ hàng bên nội, ngoại, và đơn giản là không biết cách dạy con cái mình giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ.

 

Trong các xã hội khác, phản ứng của thanh niên sẽ khác. Nếu chúng không thể thích ứng, chúng có thể gia nhập một băng nhóm hay trở thành người theo các trường phái lập dị. Nhưng ở Nhật, nơi mà sự đồng nhất được coi trọng, tên tuổi và vẻ bề ngoài được tôn vinh hơn hết thảy, sự nổi loạn phải diễn ra theo những cách thầm lặng, mà hikikomori là một dạng như vậy. Bất kỳ nỗi khát khao nào của hikikomori muốn tìm tới một mối quan hệ lãng mạn hay sex, chẳng hạn, đều bị sự căm ghét bản thân và nhu cầu muốn khép kín mình bóp nghẹt. Họ không muốn những thất bại của bản thân, cho dù chúng có thật hay chỉ là tưởng tượng, bị lộ ra thế giới bên ngoài.

 

“Giới trẻ Nhật được coi là an toàn nhất thế giới, vì tỷ lệ phạm tội rất thấp”, Saito bình luận. “Nhưng tôi nghĩ rằng điều này có liên quan đến trạng thái tâm lý của con người. Ở nước nào, giới trẻ cũng đều có những rối loạn về thích ứng. Ở phương Tây, các em bỏ nhà hay nghiện ma túy. Ở Nhật, đó là sự thờ ơ và những vấn đề như hikikomori”.

 

Còn tiếp

 

Theo M.C.

Vnexpress/IHT

Dòng sự kiện: Hikikomori

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm