1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những tác động và nguy cơ từ cuộc khủng hoảng Libya

(Dân trí) - Các cuộc bạo loạn chống lại Tổng thống Libya Muammar Gadhafi bùng phát vào ngày 17/2. Hơn nửa tháng sau, người ta bắt đầu thống kê những tác động và nguy cơ đáng ngại từ cuộc khủng hoảng ở nước này, trong bối cảnh bất ổn ở khu vực Trung Đông- Bắc Phi.

 
Những tác động và nguy cơ từ cuộc khủng hoảng Libya - 1
Báo chí Mỹ cho rằng tình hình bất ổn ở Libya có thể còn kéo dài

Kinh tế - đời sống của người dân bị tổn hại

Tình trạng bất ổn và bạo loạn gần đây ở một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong đó có Tunisia, Ai Cập và đặc biệt là ở Libya đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, trật tự xã hội, an ninh và chất lượng cuộc sống của những quốc gia này. Ở Libya, quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 15 thế giới với sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, đã thuê tới 1,5 triệu công nhân nước ngoài. Sự ra đi bất ngờ của họ có thể khiến nền kinh tế sụp đổ. Sản lượng dầu thô đã bị giảm một nửa và nền kinh tế do trung ương kiểm soát gần như đã tê liệt.

Hàng chục nghìn lao động nước ngoài, đã chạy khỏi Libya, làm việc trong ngành phân phối lương thực, điều đó có nghĩa là phải mất nhiều tuần, mọi việc mới có thể trở lại bình thường, cho dù tình hình chính trị có ổn định. Các nhân viên cứu trợ ước tính, trong những ngày tới, có thể 2,7 triệu người phải sơ tán. Một báo cáo của UNICEF cho biết làn sóng sơ tán đầu tiên chủ yếu là những công nhân nam, làm việc trong các giếng dầu và ngành xây dựng. Giờ đây, "ngày càng có nhiều người Libya chạy khỏi đất nước cùng với gia đình, làm tăng số lượng các gia đình dễ tổn thương".

Trong khi đó, số liệu thống kê chính thức của Ai Cập cho thấy tình trạng bạo loạn vừa qua đã gây thiệt hại 1,7 tỷ USD cho các ngành du lịch, xây dựng và chế tạo của nước này ,còn thiệt hại kinh tế trực tiếp của Tunisia là 2,14 tỷ USD. Ở Tunisia, bất ổn xã hội vẫn còn khi có tới gần 10.000 tù nhân bỏ trốn kể từ khi xảy ra biến động.

Khủng hoảng nhân đạo

Các tổ chức viện trợ đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, do gần 3 triệu người phải sơ tán, dẫn tới việc thiếu trầm trọng các nguồn cung cấp lương thực, nước sạch, nhiên liệu và thuốc men. Mặc dù hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người nước ngoài đã chạy khỏi Libya, nhưng người ta ngày càng quan ngại rằng giao tranh kéo dài giữa các lực lượng ủng hộ và chống lại ông Gadhafi có thể châm ngòi cho một thảm họa nhân đạo toàn khu vực.

Bà Josette Sheeran, Giám đốc điều hành của Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã nói khi tới thị sát một cửa khẩu biên giới giữa Libya và Tunisia, nơi mỗi ngày tập trung tới 15.000 người tỵ nạn, rằng "chúng ta có thể đang đối diện với một thảm họa nhân đạo lịch sử". Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố rằng tình hình y tế bên trong Libya là rất khó khăn, các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng chuỗi cung cấp lương thực của họ đang có "nguy cơ sụp đổ”.

Libya đang phải nhập khẩu 75% nhu cầu lương thực, nhưng trong 2 tuần qua, không có cảng nào tại nước này hoạt động bình thường. Dự trữ lương thực đang cạn kiệt và các chuỗi cung cấp bị gián đoạn.

Châu Âu và làn sóng tỵ nạn

Châu Âu đang lo lắng theo dõi tình hình vì quan ngại về nguy cơ xảy ra một làn sóng những người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi. Đảo Lampedusa của Italia, chỉ cách bờ biển Tunisia 160 km. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã công khai bày tỏ quan ngại rằng khoảng 300.000 người Libya có thể tìm cách chạy sang Italia. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã tuyên bố tăng gấp 3 viện trợ nhân đạo của Liên minh châu Âu nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng này. Cơ quan Cao ủy LHQ về người tỵ nạn đang khẩn thiết yêu cầu các chính phủ tổ chức "một cuộc sơ tán người lớn" khi tình tình tại Libya đang tiếp tục xấu đi.

Các quan chức LHQ đang báo động trước cuộc khủng hoảng ngày càng tăng tại khu vực biên giới Tunisia-Libya. Trong những ngày qua, hàng chục nghìn lao động nước ngoài, trong đó có cả các lao động châu Á, tiếp tục dồn về khu vực này. Nhiều người vẫn đang chờ được sơ tán và không có nơi nào để đi, đành sống lay lắt với chút ít lương thực.

Hiện nay mỗi năm châu Âu đang phải tiếp nhận 1,7 triệu người nhập cư, nhiều hơn cả Mỹ. Châu Âu đang tìm cách hỗ trợ bằng việc thúc đẩy thương mại tự do hơn. Châu Âu cũng đang củng cố biên giới của họ. Tây Ban Nha đã xây dựng một bức rào kiểu Israel xung quanh Ceuta. Tàu chiến của châu Âu đang đi tuần vùng biển giữa Tunisia và Lampedusa. Các hoạt động thực thi luật nhập cư được siết chặt ở bên trong châu Âu.

Tác động đến kinh tế toàn cầu

Tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, Bắc Phi, trong đó có Libya - khu vực sản xuất dầu mỏ vốn đã đầy biến động - làm giới đầu cơ tích trữ trên thế giới lo sợ và khiến giá dầu và giá vàng tăng vọt. Tình hình này có thể tạo ra một chu trình, theo đó bất ổn đẩy giá năng lượng tăng, thổi bùng lạm phát.

Nguy cơ giá dầu thô thế giới biến động đã thành sự thực và sẽ tiếp tục biến động ở mức cao do tác động đến nguồn cung cấp toàn cầu và tác động giá thành vận chuyển dầu mỏ toàn cầu. Hiện nay, nhiều nhân tố như thiếu tính thanh khoản, mất cân bằng cung cầu và nhân tố đột phát trong hầu hết giá cả các loại hàng hoá căn bản toàn cầu đang tác động nghiêm trọng tới xu thế tăng giá, lạm phát tại các nước đang phát triển và có chiều hướng lan sang các nước phát triển, đặc trưng lạm phát mang tính hệ thống toàn cầu ngày càng rõ nét. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tỷ lệ lạm phát bình quân tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng lên trên 6%.

Phục hồi kinh tế toàn cầu vì những lý do trên mà bị tác động nghiêm trọng. Các chuyên gia dự báo nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, có thể sẽ tạo ra những gánh nặng khủng khiếp cho kinh tế toàn cầu. Đối với giá dầu hiện nay, chi phí cho dầu mỏ toàn cầu có thể khiến GDP giảm 5%, hoặc khiến tổng giá trị các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ toàn cầu giảm đáng kể, nhiều khả năng sẽ tạo ra những tác động nghiêm trọng đến phục hồi kinh tế toàn cầu.

 Nguy cơ Hồi giáo cực đoan và vũ khí lọt vào tay khủng bố

Theo báo chí phương Tây, quân đội Libya không thể bảo vệ xuể một số kho vũ khí trước tình hình bất ổn hiện nay. Vấn đề đáng ngại là những kho vũ khí ở vùng phía đông Libya, đầy ắp đủ loại vũ khí, không mấy được canh giữ. Trong số những kho vũ khí này, có những loại thiết bị rất nguy hiểm nếu lọt vào tay các thành phần khủng bố. Đây là một mối đau đầu lớn đối với Washington và khối NATO. Một ví dụ điển hình là hàng chục dàn phóng tên lửa đất đối không SAM 7 mà quân đội Libya đã tích trữ từ nhiều năm qua, sẽ có nguy cơ rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Mỹ cũng đang rất lo lắng rằng tình hình ở Trung Đông-Bắc Phi có thể để lại một khoảng trống an ninh hậu cách mạng, làm tăng nguy cơ từ những kẻ thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Cho đến nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn chưa đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc nổi dậy của người dân Arập. Mặc dù những nhóm Hồi giáo cực đoan có thể tham gia các cuộc biểu tình, song dường như các nhóm này đang chờ để "thu hoạch" lớn từ sự thất vọng, lộn xộn hay hỗn loạn có thể diễn ra sau đó. Libya luôn có một phong trào thánh chiến, tập trung tại các thành phố miền đông là Darnah và Benghazi, những khu vực đầu tiên rơi vào tay những người biểu tình chống chính phủ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 2/3 không giấu giếm khi công khai một trong những lo ngại lớn nhất của Washington là Libya có thể rơi vào hỗn loạn và trở thành một thiên đường cho lực lượng Al-Qaeda, giống như Somalia, mặc dù Mỹ không dự kiến điều này. Phát biểu tại Ủy Ban phân bố Ngân sách của Thượng viện Mỹ, bà Clinton nói: "Hiện tại, đó chưa phải là điều chúng ta sắp thấy, song rất nhiều thành viên Al-Qaeda tại Afghanistan và sau đó là tại Iraq đã đến từ Libya, từ miền Đông Libya, khu vực hiện được gọi là vùng tự do ở nước này".

Mỹ và khả năng can thiệp vũ trang tại Libya

Paris và London đã đồng ý thành lập một vùng cấm bay nếu bạo loạn tiếp diễn tại Libya, nhưng tại Washington, thì giải pháp này đang gây chia rẽ. Nếu Thượng nghị sĩ John McCain tán đồng, thì ngược lại Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates chống đối vì theo ông đây là hành động chiến tranh chống lại một quốc gia lớn. Thành lập một vùng cấm bay bắt đầu bằng việc tấn công Libya để phá hủy hệ thống phòng không của nước này. Đây là một chiến dịch phức tạp và phải được Quốc hội Mỹ cho phép, đồng thời đòi hỏi triển khai lực lượng trên quy mô lớn.

Tổng thống Obama công khai mong muốn Tổng thống Libya ra đi, nhưng vẫn tỏ thái độ không mấy sốt sắng về một sự can thiệp của nước ngoài và nhất là Washington không muốn tạo cảm giác là cuộc cách mạng được hậu thuẫn của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị quốc tế nhận định, Mỹ có thể sớm can dự vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Như khi đề câp đến tình hình ở Libya, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney đã hơn một lần đề cập việc Mỹ đang xem xét tất cả các lựa chọn. Khi thông báo bố trí chiến hạm ngoài khơi Libya, Mỹ chứng tỏ một cách rõ ràng là không loại trừ một phương án nào kể cả giải pháp quân sự. Vấn đề là, vì lợi ích dầu mỏ. Nếu Libya không sản xuất 2% dầu mỏ của thế giới, chắc chắn chẳng quan chức nào trong Chính phủ Mỹ quan tâm nhiều đến việc điều gì đang xảy ra ở Libya.

Nhưng nếu Mỹ và NATO muốn sử dụng hành động quân sự, họ phải tự lo liệu vì Nga và Trung Quốc có thể ngăn chặn LHQ chấp thuận giải pháp sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, dư luận các nước trên thế giới đều không ủng hộ hành động quân sự. Ví dụ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đang yêu cầu Mỹ và NATO không can thiệp vào những gì đang diễn ra ở Libya.

Việt Hà
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm