1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Những người Mỹ "mắc kẹt" trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mâu thuẫn gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đẩy nhiều người Mỹ nắm vị trí cấp cao trong các công ty Trung Quốc vào thế khó, buộc họ phải rời đi hoặc chấp nhận rủi ro nếu ở lại.

Những người Mỹ mắc kẹt trong cuộc đối đầu với Trung Quốc - 1

Cựu giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer (Ảnh: Reuters)

Tháng trước, giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer - một người Mỹ - đã bất ngờ từ chức chỉ sau 3 tháng nắm giữ vị trí. Theo giới quan sát, sự ra đi bất ngờ của Mayer đã cho thấy áp lực dồn dập mà những công dân Mỹ nắm giữ vị trí cấp cao ở các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xấu đi mỗi ngày.

“Chúng ta dường như đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Và hai bên phải hứng rất nhiều thiệt hại”, Richard Levick, giám đốc điều hành của công ty kiểm soát khủng hoảng Levick (Mỹ), nhận định.

Ông Mayer từ chức đúng lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo áp hàng loạt biện pháp chống lại TikTok trong bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trump cáo buộc TikTok, WeChat, Huawei và một số công ty Trung Quốc khác có thể chuyển thông tin nhạy cảm cho chính quyền Bắc Kinh. Các công ty trên đều bác bỏ những cáo buộc này.

“Nếu Mayer ở lại công ty sở hữu TikTok, đó sẽ là động thái giết chết sự nghiệp của ông ấy, đặc biệt khi ông Trump coi Trung Quốc là đối thủ số 1 của Mỹ. Tôi nghĩ điều này sẽ là bước lùi to lớn đối với hàng loạt nhân vật nắm giữ vai trò cấp cao là người Mỹ được các công ty Trung Quốc thuê về”, chuyên gia quản lý rủi ro Gordon Feller nhận định.

Levick, một người chuyên làm việc với các đối tác Trung Quốc, cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy việc làm của mình gặp nhiều mối đe dọa như lúc này. Ông cho rằng áp lực dồn dập từ căng thẳng Mỹ - Trung khiến những người làm việc trong môi trường có yếu tố liên quan tới Trung Quốc cảm thấy bất an trong thời điểm này.

SCMP cho rằng Mỹ sở hữu rất nhiều công cụ để có thể tạo áp lực, bao gồm việc chặn các khoản đầu tư Trung Quốc mà họ coi là mối đe dọa an ninh, theo dõi sát sao các công ty tư vấn và hỗ trợ đối tác Trung Quốc hay mở cuộc điều tra âm mưu gián điệp nhằm vào các cá nhân hoặc công ty…

Sự cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc được cho là cũng gây nên phản ứng tiêu cực của người dân Mỹ với Bắc Kinh. Một khảo sát do Pew thực hiện hồi cuối tháng 7 cho thấy 73% người được hỏi có tâm lý tiêu cực với Trung Quốc, tăng mạnh so với 47% hồi năm 2017. Đây cũng là mức tiêu cực cao nhất trong lịch sử 15 năm khảo sát của Pew về thiện cảm của người dân Mỹ với Trung Quốc.

Trước TikTok, Huawei cũng từng là tâm điểm của căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc Mỹ yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hồi năm 2018 đã “thổi bùng” căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Mỹ sau đó tiếp tục vận động các quốc gia đồng minh và đối tác không sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei trong mạng 5G vì lý do an ninh.