Những lần "lỡ miệng" của các nguyên thủ thế giới
(Dân trí) - Các nguyên thủ thế giới không ít lần "lỡ lời" và gặp phải các tình huống bối rối khi những cuộc trò chuyện ở "hậu trường" của họ bị tiết lộ.
Tổng thống Pháp và Mỹ với Thủ tướng Israel
Hồi tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy từng chịu sức ép từ dư luận sau khi họ trao đổi với nhau những câu nói đùa về Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại một hội nghị của nhóm G-20.
Theo trang mạng Arret sur Images của Pháp, Tổng thống Sarkozy đã nói với ông Obama rằng: "Tôi không chịu nổi ông ấy. Ông ấy là kẻ nói dối". Sau đó, Tổng thống Obama được cho là đã trả lời: "Ông mệt vì ông ấy. Vậy tôi thì sao? Tôi phải giải quyết những vấn đề từ ông ấy hàng ngày".
Tổng thống Obama chỉ trích ca sĩ Kayne West
Sau khi nam ca sĩ Kayne West "cướp sân khấu" của nữ ca sĩ Taylor Swift tại lễ trao giải MTV Video Music Awards, Tổng thống Obama đã đưa ra những bình luận về vụ việc này.
Trả lời phỏng vấn trong một buổi ghi hình, Tổng thống Obama nói: "Quý cô trẻ đó dường như là một con người tuyệt vời, cô ấy đang lên nhận giải. Tại sao anh ta lại xuất hiện trên đó? Thật vô lý".
Một phóng viên có mặt trong buổi ghi hình trên đã gửi những lời ông Obama nói lên mạng xã hội Twitter.
Ông Gordon Brown "lỡ miệng" với cử tri
Ông Gordon Brown cũng lỡ miệng trong chiến dịch tranh cử vào ghế thủ tướng Anh năm 2010. Đó là khi chính trị gia này có cuộc nói chuyện với một cử tri ở Rochdale, một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử.
Trong một cuộc vận động tranh cử, bà Gillian Duffy, 66 tuổi, đã tiến lại gần và chỉ trích ông Brown. Ông Brown đã cố gắng thực hiện một cuộc trò chuyện lịch sự với người phụ nữ này trong khi các máy quay đang chĩa vào họ. Sau đó ông Brown rời đi khi microphone vẫn đang hoạt động.
Ông Brown sau đó đã nói với các cố vấn khi vào trong xe: "Thật là thảm họa. Họ không nên để tôi với người phụ nữ đó... Niềm tin của người phụ nữ đó thật buồn cười".
Tổng thống Bush về tình hình Trung Đông
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã nói hớ trong bữa ăn trưa cùng Thủ tướng Anh Tony Blair tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-8 hồi năm 2006 tại Nga.
Tại bữa ăn trên, Tổng thống Bush đã chào Thủ tướng Anh bằng câu tiếng lóng "Yo Blair" và sau đó cảm ơn ông về món quà là chiếc áo len. Sau đó, hai người đã thảo luận về tình hình ở Trung Đông, trong đó ông Bush đề nghị một giải pháp không hoàn toàn là thiên về ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng giữa Syria với Israel.
Tổng thống Bush nói: "Điều họ cần làm là gây sức ép để Syria và Hezbollah chấm dứt những điều vớ vẩn đấy. Chấm hết".
Tổng thống Bush chỉ trích phóng viên tờ New York Times
Trong chiến dịch vận động tranh cử ở bang Illinois hồi năm 2000, ông Bush từng bị máy quay ghi lại việc chỉ trích một phóng viên của tờ New York Times.
Theo các cố vấn của người trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43 trong lịch sử, ông Bush đã gửi lời xin lỗi vì đó chỉ là những lời thoáng qua. Một cố vấn của ông Bush nói: "Chúng tôi lấy làm tiếc khi những bình luận cá nhân đó lại tạo ra làn sóng phản đối từ dư luận. Chúng tôi lấy làm tiếc trước những ai đã nghe các câu nói đó".
Thái tử Charles với phóng viên của BBC
Mối quan hệ giữa Thái tử Charles với truyền thông Anh đã trải qua sóng gió khi ông bị ghi hình cảnh đang chỉ trích một phóng viên của BBC.
Khi trả lời phỏng vấn với phóng viên phụ trách Hoàng gia Anh của BBC, ông Nicolas Witchell, Thái tử Charles từng nói: "Tôi không chịu nổi ông ta. Một con người rất phiền phức".
Thủ tướng John Major "va miệng"
Thủ tướng Anh John Major từng gặp rắc rối hồi năm 1993 khi thừa nhận rằng ông không hiểu tại sao cử tri lại bầu cho mình.
Sau đó, trong lần các nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ của ông phản đối kế hoạch mở rộng quan hệ với châu Âu tại Quốc hội, Thủ tướng Major được cho là đã gọi những người này là "những kẻ tồi tệ" và đe doạ "đày đoạ" họ.
Tổng thống Chirac với món ăn Anh
Trong quá trình vận động giúp Pháp giành quyền đăng cai Olympic 2012, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã tìm cách chê bai Anh vào năm 2005.
Trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người sau đó trở thành Thủ tướng Đức, ông Gerhard Schroeder, Tổng thống Chirac đã chê món ăn Anh. Ông nói: "Điều duy nhất mà họ làm cho nền nông nghiệp châu Âu là căn bệnh bò điên. Bạn không thể tin tưởng những người tới từ quốc gia có các món ăn không ra gì".
Những bình luận đó có lẽ đã "chọc giận" báo chí Anh, nhưng người Anh cuối cùng cũng tươi cười khi London giành quyền đăng cai Olympic 2012.
Tổng thống Reagan với Nga
Trước một bài phát biểu đọc trên sóng phát thanh hồi tháng 8/1984, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã thử giọng và nói đùa: "Hỡi những người dân Mỹ, ngày hôm nay, tôi vui lòng thông báo với các bạn rằng tôi đã ký một đạo luật nhằm đặt Nga ngoài vòng pháp luật mãi mãi. Chúng tôi sẽ bắt đầu ném bom trong 5 phút nữa".
Ngọc Anh
Tổng hợp