1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những góc khuất trong quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung nhìn từ sự cố khí cầu

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc các nước, nhất là các cường quốc, theo dõi nhau là không có gì mới, thậm chí cả việc do thám bằng bóng bay. Nhưng đối với vụ khinh khí cầu Trung Quốc đến Mỹ lần này, có những điểm khác biệt.

Những góc khuất trong quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung nhìn từ sự cố khí cầu - 1

Khí cầu Trung Quốc bị chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2 (Ảnh: Reuters).

Có thể phải mất vài tháng nữa, các cơ quan tình báo Mỹ mới có thể đưa ra kết luận so sánh sự cố của khinh khí cầu Trung Quốc lần này với các vụ việc tương tự trước đó nhằm xác định tính chất vụ việc.

Nhưng một thực tế rõ ràng, việc các nước nhất là các quốc gia cạnh tranh gay gắt như Trung Quốc và Mỹ, việc do thám nhau là không có gì mới.

Khoảng 15 năm trước từng xảy ra vụ rò rỉ các thiết kế F-35 của Mỹ trong một vụ việc được cho là đã giúp Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình của nước này.

Vào năm 2015, một nhóm tin tặc hàng đầu của Trung Quốc lấy được hồ sơ bảo mật của 22 triệu người Mỹ từ các máy tính hầu như không được bảo mật của Văn phòng Quản lý Nhân sự. Theo các chuyên gia, vụ việc này, kết hợp với các hồ sơ y tế và hồ sơ du lịch khác, có thể đã giúp Trung Quốc đưa ra bản thiết kế chi tiết về cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia của Mỹ.

Nhưng đối với nghi vấn do thám, quả khinh khí cầu lần này có những điểm khác biệt. Nó trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ khi bất ngờ lơ lửng trên không, tại khu vực có các hầm chứa hạt nhân ở Montana, sau đó được phát hiện gần thành phố Kansas và kết thúc hành trình ngoài khơi bờ biển Nam Carolina khi bị tên lửa Sidewinder bắn hạ.

Không có gì ngạc nhiên khi giờ đây nó được các quan chức quân sự và tình báo theo sát vì họ rất muốn kiểm tra thiết bị bên trong, sau khi Cảnh sát biển và Hải quân có thể tìm kiếm được đầy đủ các mảnh vỡ.

Sự cố khinh khí cầu lần này xảy ra gần 22 năm sau vụ va chạm giữa một máy bay do thám Mỹ và một máy bay chiến đấu Trung Quốc cách bờ biển đảo Hải Nam khoảng 120km, khiến cả hai bên cam kết cải thiện việc quản lý khủng hoảng.

Giáo sư Evan Medeiros, từng là cố vấn cho Tổng thống Barack Obama về Trung Quốc và châu Á, cho biết: "Chúng tôi không biết Bắc Kinh thu được những thông tin tình báo gì. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một sự vi phạm chủ quyền trắng trợn".

"Điều này khiến Trung Quốc thành vấn đề thách thức sâu sắc đối với an ninh nước Mỹ với thực tế là bạn đang dắt chó đi dạo và bất ngờ thấy một quả khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh trên bầu trời", giáo sư này nói thêm.

Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối gay gắt các cáo buộc này.

Nhưng đó không phải là quả khinh khí cầu duy nhất và đầu tiên. Vài giờ trước khi khinh khí cầu khổng lồ này bị bắn hạ ngoài biển, Lầu Năm Góc cho biết có một khinh khí cầu khác đang bay qua Nam Mỹ.

Và Lầu Năm Góc đã phải thừa nhận, đây không phải là lần đầu tiên khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận nước Mỹ. Theo các chuyên gia quân sự, đây là thừa nhận mà Lầu Năm Góc không bao giờ muốn nói đến trước đây, cho đến khi sự cố này buộc họ phải làm vậy.

"Các hoạt động của khinh khí cầu do thám như thế này đã được chúng tôi chú  ý và điều tra trong vài năm qua", người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick S. Ryder, cho biết trong một tuyên bố hôm 8/2.

Thừa nhận của tướng Ryder làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có thất bại trong việc thiết lập một "lằn ranh đỏ" về việc giám sát khinh khí cầu từ nhiều năm trước. Và liệu có phải thất bại này đã khuyến khích Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt hơn hay không?

Bà Amy B. Zegart, thành viên cấp cao tại Viện Hoover và là tác giả của cuốn sách "Gián điệp, Dối trá và Thuật toán", một nghiên cứu về các công nghệ mới trong do thám phổ biến, nhận định: "Việc khinh khí cầu Trung Quốc từng đi vào không phận trước đó không hề dễ chịu chút nào. Đáng lẽ chúng ta nên có một chiến lược sớm hơn", bà nói và nhấn mạnh, nước Mỹ nên đưa ra cảnh báo về những giới hạn sớm hơn.

Tất nhiên, việc các siêu cường do thám lẫn nhau, thậm chí là dùng khinh khí cầu, là không có gì mới.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã mở chiến dịch do thám Liên Xô bằng cách gắn camera trên khinh khí cầu vào giữa những năm 1950, đưa chúng bay qua các nước thuộc khối Liên Xô trên danh nghĩa nghiên cứu khí tượng, theo một bài báo do Cục Lưu trữ Quốc gia xuất bản năm 2009.

"Vụ việc bị phía Liên Xô phản đối mạnh mẽ trong khi không thu thập được thông tin tình báo hữu ích gì", tác giả David Haight, một nhà lưu trữ tại Thư viện Eisenhower, cho biết.

Sau đó, với sự ra đời của các vệ tinh do thám đầu tiên, khinh khí cầu dường như trở nên lỗi thời.

Nhưng giờ đây, chúng đang quay trở lại, vì trong khi các vệ tinh do thám có thể nhìn thấy hầu hết mọi thứ, những quả khinh khí cầu được trang bị cảm biến công nghệ cao sẽ bay lơ lửng trên một địa điểm lâu hơn và có thể thu sóng radio, di động và các đường truyền khác không thể phát hiện được từ không gian.

Đó là lý do vì sao Mỹ rất lo ngại nhìn thấy khinh khí cầu của Trung Quốc ở Montana.

Những góc khuất trong quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung nhìn từ sự cố khí cầu - 2

Mỹ cũng thực hiện các hoạt động do thám gần nhằm vào Trung Quốc bằng tàu ngầm hoặc máy bay (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Trong những năm gần đây, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của nước này, đã thiết lập lại thông tin liên lạc với các địa điểm vũ khí hạt nhân. Theo các chuyên gia quân sự, đó chính là một trong số các mục tiêu của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, cơ quan giám sát nhiều vụ tấn công an ninh quốc gia của họ.

Tất nhiên, NSA cũng nhắm vào Trung Quốc. 

Từ những tiết lộ của "người thổi còi" Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), thế giới biết được Mỹ đã đột nhập vào mạng lưới của một tập đoàn viễn thông của Trung Quốc, đồng thời theo dõi hành tung của các nhà lãnh đạo và binh sĩ vốn chịu trách nhiệm di chuyển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Và đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động giám sát, do thám của Mỹ ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngoài những hình ảnh mà cả thế giới đều biết, toàn bộ vụ việc khinh khí cầu lần này còn nói lên rất nhiều điều về việc Washington và Bắc Kinh ít liên lạc với nhau như thế nào.

Theo New York Times