Những "đòn bẩy" Mỹ có thể sử dụng để gây sức ép với Taliban ở Afghanistan
Mặc dù Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rời khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ, nhưng vẫn có nhiều "đòn bẩy" để buộc Taliban phải tuân thủ các cam kết.
Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng, Taliban có thể bị gây sức ép để từ bỏ bạo lực cũng như sự ủng hộ đối với chủ nghĩa khủng bố như trước đây, bằng các biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" do sự phụ thuộc khá nặng nề của Afghanistan vào năng lượng và thực phẩm nhập khẩu, viện trợ nước ngoài và nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ.
Dưới đây là một số đòn bẩy quan trọng nhất mà phương Tây có thể gây sức ép với Taliban để lực lượng này phải tôn trọng các cam kết như bảo vệ quyền của phụ nữ và hợp tác với các nước khác…
Nguồn dự trữ ngoại tệ và vàng trị giá hàng tỷ USD
Trước khi rời khỏi đất nước, Thống đốc ngân hàng trung ương Afghanistan cho biết trên Twitter rằng, Mỹ có vai trò rất lớn trong việc quyết định số phận nguồn dự trữ ngoại tệ và vàng trị giá 9 tỷ USD của Afghanistan. Trong số này, 7 tỷ USD hiện đang do Mỹ nắm giữ, 1,3 tỷ trong các tài khoản quốc tế khác và 700.000 USD trong Ngân hàng thanh toán quốc tế.
Mỹ đã nhanh chóng ngăn chặn Taliban tiếp cận các tài khoản của chính phủ Afghanistan tại Ngân hàng dự trữ liên bang New York cũng như tại các nơi ở Mỹ. Hiện các tài sản này vẫn đang bị đóng băng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18/8 cũng đã phong tỏa các khoản viện trợ của tổ chức này cho Afghanistan trong đó có khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp mới 440 triệu USD.
Mỹ hiện đang chịu sức ép từ các tổ chức nhân đạo, các quan chức ngân hàng trung ương Afghanistan, các chính phủ nước ngoài, trong đó có Nga, về việc không đóng băng tài sản, cho phép tiến hành một số giao dịch bằng đồng USD. Tuy nhiên, điều này có thể đi kèm với các điều kiện cứng rắn của Washington.
Theo giới chức Nga, nếu các tài sản tiếp tục bị phong tỏa, Taliban nhiều khả năng sẽ phải tìm đến các nguồn thu nhập bằng buôn lậu vũ khí hoặc ma túy.
Phụ thuộc vào nhập khẩu
Afghanistan phụ thuộc lớn vào nguồn thực phẩm, nhiên liệu và hàng may mặc nhập khẩu. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), nước này nhập khẩu 8,6 tỷ USD hàng hóa trong năm 2019, nhiều nhất là than bùn, lúa mì và dầu khí. Afghanistan cũng nhập khẩu khoảng 70% lượng điện tiêu thụ hàng năm, trị giá 270 triệu USD.
Taliban không thể chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu này nếu không tiếp cận được các tài khoản tiền USD và dự trữ ngoại tệ của Afghanistan. Afghanistan chỉ đủ tiền dự trữ để chi trả cho các hàng hóa nhập khẩu trong khoảng 2 ngày sau khi các tài sản ở nước ngoài bị đóng băng.
Mỹ và các đồng minh có thể gắn điều kiện tiếp cận các nguồn dự trữ hoặc giao dịch bằng USD với các hành động của Taliban.
Viện trợ nước ngoài
Mỹ cũng đóng vai trò lớn trong nguồn viện trợ vào Afghanistan, do Washington có ảnh hưởng lớn tại WB, tổ chức giám sát quỹ Tín nhiệm tái thiết Afghanistan cũng như IMF. Ngoài ra Mỹ cũng viện trợ hàng tỷ USD cho chính phủ Afghanistan cũng như các tổ chức phi chính phủ tại nước này.
WB đã cắt nguồn viện trợ cho Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản Kabul. Tương lai các nguồn viện trợ của Mỹ hiện chưa rõ.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ hạn chế cấp giấy phép cho chính phủ và các đối tác viện trợ nhân đạo ở Afghanistan, một động thái có thể khuyến khích các nước khác làm theo.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Taliban, với tư cách là một tổ chức hoặc cá nhân các lãnh đạo của lực lượng này đều nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, bị cấm giao dịch bằng đồng USD và với các hệ thống tài chính Mỹ.
Các thể chế tài chính phương Tây hiện đang tránh làm ăn kinh doanh với Taliban để không vi phạm luật của Mỹ. Việc dỡ bỏ các trừng phạt này đòi hỏi một quá trình dài và phức tạp do Bộ Tài chính Mỹ thực hiện, nhưng Bộ này có thể cấp phép cho một số giao dịch tùy thuộc vào hành vi của Taliban.
Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng tư nhân Afghanistan cũng chịu nhiều sức ép do các giao dịch USD bị đóng băng. Tất cả 12 ngân hàng hoạt động ở Afghanistan đều cần các ngân hàng nước ngoài tiến hành giao dịch bằng đồng USD, và 3 ngân hàng trong số này thuộc sở hữu của nhà nước Afghanistan, tức là hiện đang do Taliban trực tiếp kiểm soát.
Các hoạt động gửi tiền cũng là một đòn bẩy của Mỹ và phương Tây. Afghanistan phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền gửi từ nước ngoài. Các khoản tiền lương của lao động di trú ở nước ngoài gửi về Afghanistan chiếm 4% GDP nước này.
Western Union, tổ chức chuyển tiền lớn nhất thế giới và Moneygram đều đã đình chỉ các dịch vụ chuyển tiền, cắt đứt dòng giao dịch của nhiều gia đình phải phụ thuộc vào tiền gửi từ người thân ở nước ngoài. Việc nối lại các hoạt động này đòi hỏi phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ.