Những cuộc gặp được chờ đợi của ông Kim Jong-un với lãnh đạo thế giới
(Dân trí) - Sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sắp xếp các cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo thế giới khác, trong đó có những nước từng có mối quan hệ căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Sau 6 năm thay cha điều hành đất nước, ông Kim Jong-un trong tuần này bắt đầu thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên và quốc gia được nhà lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn là Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà ông Kim Jong-un gặp mặt từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011.
Sau chuyến công du tới Trung Quốc, ông Kim Jong-un được dự đoán sẽ có các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả những nước từng có quan hệ căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc
Thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể gặp mặt lần đầu tiên từng là câu chuyện “gây sốc” hồi đầu năm nay. Ông Kim Jong-un đã nhờ em gái Kim Yo-jong mang thư mời tới tận tay nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong chuyến đi nhân dịp Thế vận hội mùa Đông hồi tháng 2.
Theo kết quả cuộc đối thoại cấp cao Hàn-Triều vào sáng nay 29/3, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sẽ hội đàm vào ngày 27/4 tới tại Nhà hòa bình ở phía nam làng đình chiến Panmunjom - nơi chia tách biên giới hai nước. Sau Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Moon Jae-in nhiều khả năng sẽ là nguyên thủ quốc gia thứ hai mà ông Kim gặp mặt.
Đây được xem là bước tiến lớn trong quan hệ Hàn - Triều. Tổng thống Moon và chính phủ theo đường lối tự do của ông đã chủ trương cải thiện quan hệ với Triều Tiên sau một năm căng thẳng với hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như những màn khẩu chiến qua lại. Về phần mình, ông Kim Jong-un cũng cho thấy tín hiệu hòa hoãn với quốc gia láng giềng khi cam kết đưa việc cải thiện quan hệ song phương làm chính sách trọng tâm trong năm nay.
Trước ông Kim Jong-un, cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, cũng từng đóng vai trò tích cực trong việc hâm nóng quan hệ liên Triều khi tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh vào năm 2000 và 2007.
Mỹ
Thay vì thông báo trực tiếp cho Triều Tiên, Nhà Trắng hồi đầu tháng đã chuyển lời thông qua phái đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc và thông báo với truyền thông rằng Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận lời mời gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 5 tới. Ngày 28/3, ông Trump tiếp tục thông báo trên Twitter rằng ông đã nhận được thông điệp từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc ông Kim Jong-un “chờ đợi được gặp” nhà lãnh đạo Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay những thông tin cơ bản về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim như thời gian, địa điểm, thậm chí khả năng diễn ra cuộc gặp này vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải. Nhiều lựa chọn về địa điểm đã được đưa ra cho cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên như khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Tổng thống Trump tại Florida, Mỹ hay Mông Cổ hoặc Thụy Điển.
Giới chuyên gia dự đoán chính quyền Triều Tiên có thể trả tự do cho 3 công dân Mỹ đang bị Bình Nhưỡng bắt giữ để thể hiện thiện chí trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Trump. Ngoài ra, một vấn đề được cho là cốt lõi trong quan hệ Mỹ - Triều từ nhiều năm nay cũng có thể được đưa ra bàn thảo là “phi hạt nhân hóa”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên theo giới phân tích, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút khoảng 30.000 quân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc và đưa ra các điều kiện đảm bảo để đi đến việc ký kết hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thay vì thỏa thuận đình chiến như hiện nay. Đây là những điều mà Bình Nhưỡng chờ đợi từ hàng chục năm nay.
Nga
Theo AP, một cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn có khả năng xảy ra. Là nhà lãnh đạo thân thiết với chính quyền Triều Tiên, ông Putin từng nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương Nga - Triều bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Nga và Triều Tiên gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và trao đổi về việc xây cầu bắc qua biên giới. Truyền thông Nga đưa tin Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho dự kiến đến Moscow vào tháng tới.
Duy trì mối quan hệ gần gũi hơn với Nga cũng mang lại những lợi ích đáng kể cho chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trước đó, sự sụp đổ của Liên bang Xô viết đã tác động không nhỏ tới Bình Nhưỡng, dẫn tới nạn đói kinh hoàng khiến nhiều người Triều Tiên thiệt mạng trong thập niên 1990. Ngoài các lợi ích về kinh tế, việc hai nước thắt chặt quan hệ cũng đóng vai trò quan trọng giúp tạo thế cân bằng với Trung Quốc và đối trọng với Mỹ cùng các đồng minh.
Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là cũng đang mong muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngoài vấn đề hạt nhân, Tokyo cũng muốn cùng Triều Tiên giải quyết các vấn đề liên quan tới số phận của các công dân Nhật Bản từng bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
Trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi vào năm 2002, cố lãnh đạo Kim Jong-il thừa nhận Triều Tiên từng bắt cóc 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 70 và 80. Sau hội nghị này, Triều Tiên đã cho phép 5 người bị bắt cóc trở về Nhật Bản vào tháng 10/2002, tuy nhiên từ đó đến nay không có bất kỳ tiến triển cụ thể nào được thực hiện.
Thủ tướng Abe lo ngại rằng vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản sẽ không được giải quyết nếu ông Kim Jong-un chỉ gặp các nhà lãnh đạo khác và “ngó lơ” Tokyo. Tuy nhiên, chi phí cho việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên được cho là không nhỏ. Bình Nhưỡng có thể yêu cầu Nhật Bản bồi thường những thiệt hại do nước này gây ra trong thời gian chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Các chuyên gia cho rằng số tiền bồi thường có thể lên tới hàng tỷ USD.
Thành Đạt
Tổng hợp