1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Những câu hỏi về cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh

(Dân trí) - Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào ngày 23/6 về việc có tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) hay không. Các cuộc thăm dò dư luận trước trưng cầu dân ý cho thấy hiện công chúng Anh vẫn chia rẽ về việc đi hay ở.


Cử tri Anh sẽ bỏ phiếu về việc đi hay ở lại khối EU (Ảnh: catholicherald)

Cử tri Anh sẽ bỏ phiếu về việc đi hay ở lại khối EU (Ảnh: catholicherald)

“Brexit” là gì?

Đây là kết hợp của hai từ tiếng Anh “Britain” (Vương quốc Anh) và “Exit” (thoát ra), với hàm ý diễn tả sự kiện Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU, tương tự từ Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU trước đó.

Liên minh châu Âu là gì?

Liên minh châu Âu (EU) là một tổ chức chính trị và kinh tế gồm 28 quốc gia thành viên. Khối này hình thành sau Thế chiến II nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, với ý tưởng rằng các quốc gia giao thương với nhau sẽ giúp tránh được chiến tranh. Kể từ đó, EU đã trở thành một “thị trường chung” cho phép hàng hóa và người dân tự do di chuyển, giống như thể các quốc gia thành viên là một. EU có đồng tiền riêng, euro, được 19 quốc gia thành viên sử dụng; có quốc hội riêng và đặt ra các quy định riêng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có môi trường, giao thông, quyền của người tiêu dùng.


Danh sách 28 quốc gia thành viên hiện thời của EU

Danh sách 28 quốc gia thành viên hiện thời của EU

Trưng cầu dân ý là gì?

Trưng cầu dân ý về cơ bản là một cuộc bỏ phiếu trong đó mọi người trong độ tuổi bỏ phiếu có thể tham gia, thường là trả lời “Có” hay “Không” đối với một câu hỏi. Bên nào nhận được hơn nửa trong tổng số phiếu bầu được coi là giành chiến thắng.

Câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý

Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU vào ngày 23/6/2016. Các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng cho tới 10 giờ tối (giờ địa phương).

Câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý là: “Anh nên ở lại là một thành viên của Liên minh châu Âu hay rời Liên minh châu Âu?”.

Ai có thể tham gia bỏ phiếu?

Tất cả công dân Anh từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia, trừ khi họ đã sống ở nước ngoài từ 15 năm trở lên. Ngoài ra, người Ireland và công dân các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung đang thường trú ở Anh cũng đủ điều kiện đi bỏ phiếu.

Các hình thức bỏ phiếu

Khi người dân đăng ý bỏ phiếu, họ sẽ nhận được một tấm thẻ hướng dẫn thời gian và địa điểm bỏ phiếu. Cử tri chỉ cần mang theo tấm thẻ này tới các địa điểm quy định sẵn để bỏ phiếu. Ngoài ra, các cử tri có thể bỏ phiếu từ xa thông qua hệ thống bưu điện.

Tại sao Anh lại tổ chức trưng cầu dân ý vào lúc này?

Thủ tướng Anh David Cameron từng cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đáp lại những lời kêu gọi ngày càng gia tăng từ các nghị sĩ trong Bảo thủ của ông và đảng Độc lập Anh (UKIP), những người nói rằng Anh đã không có tiếng nói nào kể từ cuộc trưng cầu dân ý ở lại EU năm 1975. Phe ủng hộ Brexit cho rằng EU đã thay đổi nhiều kể từ đó, kiểm soát nhiều hơn cuộc sống thường ngày của họ. Ông Cameron nói: “Đã đến lúc người Anh có tiếng nói của họ. Đã đến lúc giải quyết câu hỏi về EU trong nền chính trị Anh”.


Hai nhà hoạt động vẽ cờ của Anh và Liên minh châu Âu (EU) biểu tình phản đối Brexit ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)

Hai nhà hoạt động vẽ cờ của Anh và Liên minh châu Âu (EU) biểu tình phản đối Brexit ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)

Ai muốn Anh rời EU?

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, công chúng Anh nhìn chung vẫn chia rẽ về việc đi hay ở lại EU. Đảng Độc lập Anh (UKIP) vận động để Anh rời EU. Khoảng một nửa các nghị sĩ Bảo thủ, trong đó có 5 bộ trưởng nội các, vài nghị sĩ Công đảng và Dân chủ Tự do cũng ủng hộ Anh rời EU.

Vì sao họ muốn Anh rời EU?

Họ nói Anh đã bị EU kìm hãm bằng việc áp đặt quá nhiều quy định về kinh doanh và thu hàng tỷ USD tiền phí thành viên mà đổi lại nhận được chẳng bao nhiêu. Họ cho rằng nếu Anh rời EU, họ sẽ không phải đóng hàng tỉ bảng mỗi năm cho quỹ hoạt động của tổ chức này. Thêm vào đó, họ sẽ lấy lại được quyền tự quyết về các vấn đề của đất nước, đồng thời không còn bị ám ảnh bởi vấn đề người nhập cư vốn chia rẽ nội bộ châu Âu trong suốt thời gian qua.

Ai muốn Anh ở lại EU?

Thủ tướng David Cameron muốn Anh ở lại EU, và 16 thành viên trong nội các của ông cũng ủng hộ điều này. Đảng Bảo thủ đã cam kết trung lập, nhưng Công đảng, đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng Dân chủ tự do đều ủng hộ ở lại. Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn Anh ở lại EU, cũng như các quốc gia EU khác như Pháp và Đức.

Tại sao họ muốn Anh ở lại?

Những người vận động để Anh ở lại EU cho hay nước này được hưởng lợi lớn từ tư cách thành viên EU, như bán hàng tới các quốc gia thành viên EU khác dễ hơn hay tận dụng dòng người nhập cư trẻ và khát khao được làm việc. Họ cũng tin rằng vị thế của Anh sẽ bị tổn hại nếu rời EU và Anh sẽ an toàn hơn khi ở trong khối gồm 28 quốc gia so với việc đứng một mình.

Khánh Trần-An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm