Những bức ảnh thời sự khiến thế giới thức tỉnh
(Dân trí) - Bức ảnh chụp thi thể của em bé người Syria Aylan Kurdi nằm bất động bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sau một vụ chìm tàu của người tị nạn đã khiến cả thế giới bị lay động và thức tỉnh. Lịch sử thế giới còn từng chứng kiến nhiều bức ảnh tương tự.
Cơ thể nhỏ bé của Aylan Kurdi bị sóng đánh dạt vào bờ, mặt nằm úp xuống cát trong khi nước ùa vào xung quanh. Bức ảnh chụp số phận bi thảm của em bé người Syria đã gây chấn động dư luận thế giới, thu hút sự chú ý nhiều hơn bất kỳ câu chuyện nào về những nỗi thống khổ người tị nạn đang phải đối mặt những tháng gần đây trên hành trình trốn chạy chiến tranh và đói khổ.
Cậu bé mới chỉ 3 tuổi đã thiệt mạng cùng với mẹ và anh trai Galip, 5 tuổi, khi chiếc thuyền chở họ tới đảo Kos của Hy Lạp bất ngờ bị chìm trong đêm. Sau đây là những bức ảnh thời sự khác có sức ảnh hưởng tương tự.
Bị phủ kín từ đầu đến chân trong tro bụi với ánh mắt kinh hoàng, sợ hãi khi nhìn về phía ống kính, cô Marcy Borders đã cho thấy một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất về thảm kịch tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tại thời điểm đó, cô Borders đang chạy ra khỏi tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới. Cô đã qua đời hồi tháng trước sau một năm chống chọi với ung thư dạ dày, căn bệnh mà bản thân cô và gia đình cho rằng do những khói bụi bà hít phải sau vụ khủng bố (Ảnh: AFP)
Ngày 6/8/1945, Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, khiến 140.000 người thiệt mạng. Quả bom thứ hai được thả 3 ngày sau đó tại Nagasaki, khiến thêm 70.000 người thiệt mạng, trước khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh. (Ảnh: Getty)
Ngày 20/7/1969, các phi hành gia Buzz Aldrin và Neil Armstrong rời tàu Apollo 11, đáp xuống Mặt trăng. Armstrong đã trở thành con người đầu tiên đặt chân xuống Mặt trăng. Thành công này đánh dấu đỉnh cao của cuộc đua vào không gian, giữa Mỹ và Nga khi đó. (Anhr: Getty)
Tháng 7/1992, công nương Anh Diana đến thăm trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS Lighthouse tại London, nơi bà đã gặp và bắt tay một bệnh nhân có tên William Drake. Đầu những năm 1990, những định kiến và sợ hãi trước căn bệnh này lên đến đỉnh điểm. Bằng cái nắm tay với bệnh nhân AIDS, bà đã được ghi nhận giúp thay đổi nhận thức của hàng triệu người về căn bệnh này. (Ảnh: APPA)
Được xem như “phép ẩn dụ về sự bi đát của châu Phi”, khi bức ảnh lần đầu được công bố trên tờ New York Times năm 1993, hàng trăm người đã viết thư để hỏi về số phận em bé trong ảnh. Tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Kevin Carter, đã đối mặt chỉ trích nặng nề khi không giúp đỡ em bé, trong lúc một con kền kền đứng đợi sẵn. Carter tự sát 3 tháng sau khi bức ảnh được đăng tải. (Ảnh: Corbis)
Các phần tử Khmer Đỏ, do Pol Pot cầm đầu tại Campuchia đã thảm sát khoảng 2 triệu người, trong giai đoạn 1975-1979. Nạn nhân - đặc biệt là những người trí thức và có học vị cao - bị bỏ đói, tra tấn, hãm hiếp và sát hại. Khoảng 15000 người Campuchia đã bị đưa qua nhà tù khét tiếng Tuol Sleng, nơi họ bị tra tấn, trước khi đưa ra hành quyết tại Cánh đồng chết, ở ngoại ô Phnom Penh.
Bức ảnh “Em bé napam”, do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1973 đã ghi lại khoảnh khắc một bé gái 9 tuổi hoảng loạn cháy thoát thân, sau khi quần áo bị cháy hết do một máy bay của chính quyền ngụy tại Sài Gòn vô tình thả một quả bom napam xuống chính nơi đồn trú của phe mình và dân thường. Bức ảnh đã khiến dư luận thế giới bàng hoàng và một số người tin rằng nó góp phần đẩy nhanh sự kết thúc cuộc chiến. (Ảnh: AP)
Tháng 4/1945, Fritz Klein - một bác sỹ của phát xít Đức - kẻ đã thực hiện những thí nghiệm y khoa trên tù nhân đứng giữa những thi thể trong một ngôi mộ tập thể, sau khi thành phố Bergen-Belsen, Đức được giải phóng. Trong số 38.500 tù nhân được tìm thấy còn sống thoi thóp sau khi nơi này được giải phóng, 28.000 người đã chết sau đó. Dưới sự giám sát của quân Đồng Minh, Klein bị buộc phải chôn cất những người chết. Tháng 12/1945, tên này bị tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ vì các tội ác đã gây ra. (Ảnh: Getty)
Thanh Tùng
Theo Daily Mail