Những bí mật bên trong đế chế kinh doanh của Donald Trump
(Dân trí) - Cùng với chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng viên đảng Cộng Donald Trump, đế chế kinh doanh của tỷ phú này cũng được nhắc đến không ít. Nhưng câu hỏi đặt ra là Trump có phải là hình mẫu doanh nhân thành công, một tỷ phú tự thân?
Theo bình luận của tờ Washington Post, sự thật có vẻ như là Trump là kiểu người thích khoa trương, có những thành công thực sự trong kinh doanh nhưng cũng vấp không ít thất bại.
Trump kinh doanh mọi thứ từ bất động sản đến casino, tổ chức hoa hậu hoàn vũ. Ông hiện điều hành hơn 500 công ty. Dưới đây là những điểm đáng chú ý nhất về đế chế kinh doanh của tỷ phú này.
Một ông trùm bất động sản tài năng, nhưng kém may ở lĩnh vực khác
Trump đã theo đuổi sự nghiệp kinh doanh bất động sản hơn 45 năm qua, thu lợi nhuận không ít từ những bất động sản “khủng” như Tháp Trump tại Đại lộ 5, hay Tháp Trump ở Chicago, câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach. Tập đoàn của ông sở hữu danh mục đầu tư bất động sản gồm các tòa nhà, khách sạn, sân golf trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, theo ông, bất động sản không hẳn là mảng kinh doanh chính của ông. Và thực tế là, mặc dù nổi tiếng là ông trùm bất động sản New York, nhưng ông không thể lọt vào top 10 nhà đầu tư bất động sản của thành phố này.
Trump cho biết, ngoài điều hành các khách sạn, sân golf, các công ty của ông còn sở hữu hàng loạt casino, hãng hàng không, đội bóng chuyên nghiệp,…
Năm 1988, Trump mua lại Eastern Air Shuttle, hãng hàng không 27 năm tuổi với các đường bay giữa Boston, New York và Washington D.C. Trump đã đổi tên hãng Trump Airlines với phong cách dịch vụ xa xỉ. Tuy nhiên, vì đây là hãng hàng không chặng ngắn nên khách hàng chỉ cần thuận tiện chứ không cần quá xa xỉ. Việc đầu tư của Trump không hiệu quả cùng với giá nhiên liệu cao khiến Trump Airlines lỗ triền miên và phá sản vào năm 1992.
Kinh doanh casino có lẽ là lĩnh vực kinh doanh “kém may mắn” nhất của Trump khi 4 cơ sở kinh doanh của Trump bị buộc phải phá sản. Thậm chí, vụ phá sản sòng bạc Atlantic City năm 1991 khiến Trump suýt mất một phần lớn tài sản. Trump cũng rót hàng triệu USD kinh doanh du thuyền, hãng hàng không, nhưng công việc kinh doanh cũng không thuận lợi.
Bất chấp những thất bại này, Trump vẫn tự hào rằng, ông điều hành hàng trăm công ty nhưng chỉ 4 lần phải đệ đơn bảo lãnh phá sản. Ông cũng nói, phá sản ở Alantic City là điều khó tránh khỏi với hầu hết các doanh nhân.
Theo New York Times, các ngân hàng ở phố Wall vẫn e dè khi làm ăn với Trump do tiểu sử của những vụ phá sản trước kia cũng như bản tính thích tranh chấp, kiện tụng của ông này. Phản bác lại thông tin trên, Trump cho biết, sở dĩ ông không muốn làm ăn với các ngân hàng phố Wall bởi ông không cần tiền, ông đủ tiền để tự trang trải kinh doanh. Trong khi đó, Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ công bố thông tin cho biết, 15 công ty có liên quan tới Trump hiện nợ các ngân hàng hơn 270 triệu USD.
Một câu chuyện khác khá dài và lạ lùng đó là việc Donald Trump đầu tư vào đấu bóng chuyên nghiệp những năm 1980. Năm 1983, Trump mua đội bóng đá The New Jersey Generals của Mỹ nhưng sau đó đã nhanh chóng bán đi để tập trung vào các dự án xây dựng như Trump Tower. Tuy nhiên, năm 1984, ông lại đổi ý và mua lại đội bóng. Một năm sau đó, đội bóng giải nghệ cùng với toàn bộ giải đấu quốc gia. Người ta không chỉ đổ lỗi cho Trump vì sự sụp đổ của đội bóng mà còn của cả giải đấu này. Khi đó, Trump đã cố đưa đội Generals vào giải nhưng đây có lẽ là quyết định đầu tư sai lầm. Tháng 5/2014, Trump tỏ ý muốn mua lại đội Buffalo Bills.
Tác giả D'Antonio của Washingtnon Post nhận định: “Tôi nghĩ ông ấy rất giỏi kinh doanh bất động sản. Nhưng lại không giỏi ở những lĩnh vực khác. Ông ấy cố kinh doanh hàng không nhưng thất bại. Cố kinh doanh casino thì nếm trải 4 lần thất bại. Đó không phải là mẫu hình doanh nhân lý tưởng có thể vận hành một đế chế kinh doanh đa ngành”.
Không phải một tỷ phú tự thân
Mới đây, ông Trump đã bị đối thủ Marco Rubio lợi dụng để công kích trong chiến dịch tranh cử rằng, nếu không được thừa kế 200 triệu USD từ cha, ông Trump có thể chỉ là kẻ bán đồng hồ trên phố Manhattan.
Tuy nhiên, ông Rubio đã sai lầm. 200 triệu USD là toàn bộ số tài sản của cha ông Trump vào những năm 1970, Trump không được thừa kế khối tài sản này. Tuy nhiên, ông Trump lại được thừa hưởng những lợi ích từ khối tài sản cũng như các mối quan hệ của cha là ông Fred Trump.
Fred Trump - một trong những người giàu nhất nước Mỹ những năm 1970 đã dựng nên một đế chế kinh doanh bất động sản, chuyên bán căn hộ cho tầng lớp trung lưu Mỹ sau Thế chiến thứ 2.
Sau khi Trump tốt nghiệp trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania năm 1968, Trump đã tham gia điều hành công ty cùng cha vào năm 1971. Sự nghiệp kinh doanh của Trump được gây dựng dựa trên thành công từ trước của cha.
Điều đáng giá nhất mà Trump thừa hưởng từ cha đó là danh tiếng của ông ấy, D’Antonio nhận định. “Khi ông ấy muốn tự đứng ra kinh doanh, ông ấy đã có sẵn danh tiếng của người cha, nó trị giá cả hàng chục triệu USD”, D’Antonio viết.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh về khối tài sản mà Trump đã tạo dựng nên. Trong cuộc tranh luận hồi tuần trước, Trump tuyên bố chỉ vay 1 triệu USD từ cha, và từ khoản tiền này, ông đã biến nó thành khối tài sản lên tới 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi về tuyên bố này. Thực tế, khoản vay 1 triệu USD đó không bao gồm các lợi ích mà Trump có được nhờ các mối quan hệ của gia đình cũng như việc ông được tham gia điều hành công ty của cha sau khi tốt nghiệp. Đó là chưa kể đến khoản thừa kế 40 triệu USD mà ông thừa kế năm 1974. Hơn nữa, 10 tỷ USD chỉ là con số do chính Trump công bố, còn theo tính toán của Bloomberg News, tài sản của Trump chỉ khoảng 2,9 tỷ USD, trong khi Forbes cho rằng khoảng 4,1 tỷ USD, Business Week cho rằng khoảng 6 tỷ USD. Sở dĩ còn nhiều chênh lệch về ước tính tài sản của Trump là bởi không phải tất cả hoạt động kinh doanh của Trump đều công khai.
Đánh bóng thương hiệu và “bậc thầy” về thương thuyết
Một điều đặc biệt có thể thấy đó là hầu hết tên các công ty, dự án mà tỷ phú Donald Trump sở hữu thường gắn liền với tên “Trump”. Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban bầu cử liên bang, trong số 515 công ty của ông, có 268 công ty gắn với tên của ông.
Tuy nhiên, theo tác giả D’Antonio, chiến lược đánh bóng, quảng bá thương hiệu kiểu này không phổ biến đối trong giới doanh nhân, mà có vẻ giống một vận động viên chuyên nghiệp hơn. “Trump khá xuất sắc trong việc đưa mình trở thành một thương hiệu, ông ta nắm lấy cơ hội đó từ rất sớm”, ông D’Antonio nhận xét.
Không chỉ sở hữu các chuỗi khách sạn, sòng bạc mang tên Trump, tỷ phú này còn sở hữu cả thương hiệu bánh mỳ bít tết thương hiệu Trump, tạp chí tên Trump, Trump Airlines, bộ sưu tập thời trang mang tên Trump. Trump gắn thương hiệu của mình trên cả các sản phẩm nước uống, rượu Virginia, vodka, hay nội thất, … gần như là tất cả những thứ có thể bán được, chất lượng cao, giá thành cao, đẳng cấp cao”, D'Antonio nhận định.
Gia đình Trump cũng sở hữu Đại học Trump - vốn bị coi là mục tiêu để các đối thủ chính trị công kích Trump . Theo một bài viết hồi tháng 9 của Washington Post, Đại học Trump không phải một đại học thực sự, mà thực tế chỉ là các hội thảo hướng nghiệp và chia sẻ bí quyết kinh doanh bất động sản được tổ chức tại các phòng hội nghị tại khách sạn bắt đầu từ năm 2004. Các học viên phải trả hàng nghìn USD để tham gia khóa học 3 ngày, và phải trả thêm 35.000 USD cho gói khóa học mở rộng. Tổng chưởng lý New York đã chính thức kiện tỷ phú Trump vì hành vi bị coi là lừa đảo sinh viên và mở trường không giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, Trump phản bác những cáo buộc trên và cho rằng vụ kiện 40 triệu USD này là “vô nghĩa”.
Năm1987, tỷ phú Trump đã cho ra đời cuốn sách có tựa đề “Nghệ thuật thương lượng” - cuốn sách mà trong chiến dịch tranh cử gần đây ông tự nhận đây là tác phẩm “bán chạy nhất mọi thời đại”. Nghệ thuật mà ông Trump đề cập ở đây chính là những “mánh” để thuyết phục đối tác.
Những năm 1980, công ty của Trump rơi vào tình trạng thiếu thốn, nhưng lại vẫn muốn làm ăn với tập đoàn khách sạn Holiday Inn. Để qua mặt thuyết phục Holiday Inn, tỷ phú này đã thuê hàng loạt nhân công, máy móc khởi công xây dự án sòng bạc Atlantic City để tạo cảm giác mọi thứ đang tiến triển rất tốt.
Những mô hình kiến trúc Tháp Trump của ông lộng lẫy đến nỗi ông chủ của Tiffany, nhà mỹ học lừng danh Walter Hoving, đã bán cho ông những quyền sử dụng khoảng không trên Đại lộ 5, nhờ đó mà Trump đã xây dựng được một dinh thự đẹp mắt hơn.
Minh Phương
Tổng hợp