Nhóm gây quỹ Đan Mạch đề xuất Mỹ bán California với giá 1.000 tỷ USD
(Dân trí) - Nhóm gây quỹ cộng đồng Đan Mạch đề nghị nước này mua lại bang California của Mỹ, một động thái dường như đáp trả việc Washington bày tỏ mong muốn mua đảo Greenland.
![Nhóm gây quỹ Đan Mạch đề xuất Mỹ bán California với giá 1.000 tỷ USD - 1 Nhóm gây quỹ Đan Mạch đề xuất Mỹ bán California với giá 1.000 tỷ USD - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/e4WdxGSxilCv4EtLhWGh6bXdNnE=/thumb_w/1020/2025/02/11/2sq675bzcblshek4zk55dy5dcq-1739232856721.jpg)
Greenland trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi Mỹ nhiều lần đề xuất mua lại hòn đảo (Ảnh: Reuters).
Một nhóm gây quỹ cộng đồng ở Đan Mạch đã đề xuất rằng đất nước của họ nên mua lại bang California của Mỹ với giá 1.000 tỷ USD và một nguồn cung cấp bánh ngọt Đan Mạch trọn đời cho tiểu bang này.
Ý tưởng châm biếm về việc mua lại California xuất hiện có mục tiêu đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Greenland.
Ông Trump đã nhiều lần đề xuất ý tưởng mua Greenland - một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch - với lý do hòn đảo này có giá trị chiến lược và kinh tế đáng kể đối với Mỹ.
Tuy nhiên, cả chính phủ Đan Mạch lẫn Greenland đều kiên quyết bác bỏ đề xuất này. Dù vậy, ông Trump bỏ ngỏ rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để giành quyền kiểm soát lãnh thổ này. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng nhấn mạnh vào tháng trước rằng việc mua Greenland là một mục tiêu nghiêm túc và "không phải trò đùa".
Đáp lại sự quan tâm liên tục của ông Trump đối với hòn đảo này, nhóm vận động mang tên "Denmarkification" đã đưa ra đề xuất riêng của họ với Tổng thống Mỹ, đề nghị mua lại California và tặng kèm nguồn cung cấp bánh ngọt Đan Mạch trọn đời để "làm thỏa thuận ngọt ngào". Nhóm này chỉ ra rằng ông Trump từng mô tả California là "bang bị tàn phá nhất" ở Mỹ.
Đề xuất này được trình bày như một nỗ lực gây quỹ cộng đồng, với ước tính mỗi công dân Đan Mạch chỉ cần "bớt đi vài ly cafe latte" và đóng góp khoảng 200.000 kroner (27.675 USD). Nhóm này cho rằng việc mua lại California sẽ mang các giá trị văn hóa Đan Mạch đến bang này, bao gồm "hygge" (sự ấm cúng), làn đường dành cho xe đạp và bánh mì Smorrebrod. Họ cũng dự định đổi tên Disneyland thành "Hans Christian Andersenland".
Khi trao đổi với Politico's Playbook cuối tuần qua, người sáng lập nhóm, Xavier Dutoit, còn gợi ý một cách hài hước rằng các giám đốc điều hành của LEGO (công ty đồ chơi Đan Mạch) nên dẫn đầu các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua lại bang này vì "việc ứng phó với những đứa trẻ tức giận vì thiếu mất một viên gạch LEGO đã khiến họ trở thành chuyên gia thương lượng".
Ý tưởng mua Greenland của ông Trump đã vấp phải sự phản đối từ các bên, đặc biệt là từ chính người dân Greenland. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của Đan Mạch, chỉ 6% người dân Greenland bày tỏ mong muốn sáp nhập vào Mỹ. Một khảo sát khác cũng cho thấy gần hơn 70% người Đan Mạch phản đối việc bán Greenland.