1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhìn lại nửa thế kỷ quan hệ Mỹ - Cuba kỳ 2: Những mốc chính quan hệ Mỹ - Cuba

Từ năm 1959 tới nay, sau khi lãnh tụ Fidel Castro lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Cuba bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng tên lửa và lệnh cấm vận kinh tế triền miên của Mỹ.

Rất lâu sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, quan hệ ngoại giao giữa Washington và La Habana vẫn đóng băng. Dưới đây là một số mốc chính trong quan hệ giữa hai nước:

Tháng 1/1959: Lãnh tụ Fidel Castro và một nhóm các chiến sĩ cách mạng đã tiến hành thành công cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista. Nhà nước xã hội chủ nghĩa Cuba ra đời.

Năm 1960: Cuba quốc hữu hóa mọi tài sản nước ngoài, thiết lập thỏa thuận thương mại với Liên Xô. Đáp lại, Mỹ siết chặt hạn ngạch nhập khẩu đường, đóng băng tài sản Cuba tại Mỹ, áp đặt lệnh cấm vận thương mại, cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền Cuba. 

Ngày 17/4/1961: Sự kiện Vịnh con Lợn nổ ra khi Tổng thống J.Kennedy phái một lữ đoàn quân lưu vong Cuba được CIA hậu thuẫn nhằm trở về lật đổ lãnh tụ Fidel Castro. Các lực lượng vũ trang Cuba đã đánh bại Lữ đoàn 2506 này trong vòng 3 ngày. Bất chấp thất bại, Mỹ vẫn tiến hành rất nhiều chiến dịch ngầm chống lại Cuba trong vài thập kỷ sau đó. 

Tháng 2/1962: Lệnh cấm vận kinh tế toàn diện Cuba được chính quyền Kennedy đưa ra, giới hạn các hoạt động đi lại và giao thương. Lệnh cấm vận đã gây ra những hậu quả nặng nề với Cuba. Theo chính phủ Cuba, trong hơn 50 năm qua, lệnh cấm vận này đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại 1.126 tỷ USD. 

Chủ tịch Fidel Castro trở về thủ đô La Habana sau khi Fulgencio Batista bị lật đổ.

Chủ tịch Fidel Castro trở về thủ đô La Habana sau khi Fulgencio Batista bị lật đổ.

Tháng 10/1962: Khủng hoảng tên lửa Cuba bùng nổ sau khi La Habana cho phép Liên Xô xây dựng một căn cứ tên lửa tại đất nước này. Đối đầu Xô - Mỹ bị đẩy lên cực điểm và tiến sát đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Mỹ sau đó đã đàm phán với Liên Xô thông qua các kênh bí mật và nhất trí không xâm lược Cuba, rút tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Italy nếu Liên Xô rút tên lửa hạt nhân khỏi Cuba.

Năm 1966: Đạo luật Điều chỉnh Cuba được Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Johnson thông qua, cho phép những người trốn chạy khỏi Cuba và đến được Mỹ sẽ có cơ hội thành công dân Mỹ sau 1 năm. Đạo luật Cải cách nhập cư năm 1986 của Mỹ và một thỏa thuận về nhập cư năm 1994 với Cuba mở đầu cho chính sách “chân khô, chân ướt” của Mỹ với người nhập cư Cuba. Theo đó, người tị nạn Cuba nào được tìm thấy trên vùng biển giữa hai nước sẽ được trả về Cuba, còn ai đã lên được mặt đất có thể được ở lại Mỹ. 

Năm 1980: Cuba đối mặt với những áp lực lớn về vấn đề di cư khi kinh tế bị suy kiệt vì cuộc khủng hoảng giá dầu và các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. 

Tháng 12/1996: Đạo luật Helms-Burton được Mỹ thông qua nhằm siết chặt lệnh cấm vận với Cuba và hòng làm suy yếu các mối quan hệ của Cuba với những nhà đầu tư nước ngoài. Đạo luật đã hệ thống hóa lệnh cấm vận, trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với Cuba và xác định rõ một số điều kiện để gỡ bỏ lệnh cấm vận. 

Tháng 9/1998: Chính quyền Clinton bắt giữ 5 chiến sỹ Cuba với cáo buộc hoạt động gián điệp và tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp tại Mỹ. 

Tháng 11/1999: Elian Gonzalez, cậu bé 6 tuổi người Cuba, thành viên duy nhất còn sống trong một gia đình sau khi di cư tới Mỹ bằng đường biển, đã làm khuấy động giới truyền thông Mỹ khi chính quyền Clinton phải quyết định liệu giữ cậu bé lại với người họ hàng tại Miami hay gửi về với cha ở Cuba. Sau 7 tháng tranh cãi pháp lý, Elian đã được trở về Cuba và trở thành một thành viên của đoàn thanh niên Cộng sản và một nhà vô địch trong môn bơi lội.

Tháng 10/2000: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và lãnh tụ Fidel Castro ký một thỏa thuận cho phép bán dầu giá hữu nghị cho Cuba, đổi lại được nhận sự hỗ trợ về giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ. 

Tháng 2/2008: Lãnh tụ Fidel Castro chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho người em Raul Castro. 

Năm 2009: Chính quyền Obama lới lỏng các lệnh cấm đi lại và giới hạn số tiền gửi về Cuba của người di cư, đồng thời cho phép người Mỹ gốc Cuba gửi số lượng tiền không hạn chế cho gia đình và những người không có gia đình tại Cuba; cho phép công dân tới Cuba vì mục đích tôn giáo và giáo dục. 

Tháng 12/2009: Alan Gross, một nhà thầu của chính phủ Mỹ, bị bắt giữ tại Cuba trong khi nhập khẩu và phân phối các điện thoại vệ tinh, máy tính, modem được ngụy trang với mưu đồ thiết lập các mạng lưới bên trong nhằm gây bất ổn định tình hình Cuba. Với các hoạt động vi phạm luật pháp Cuba, Gross bị kết tội âm mưu “phá hoại chủ quyền và độc lập của Cuba và bị kết án 15 năm tù”.

Năm 2012: Cuba dỡ bỏ các hạn chế về thị thực trong một loạt các cải cách kinh tế khác dưới thời của Chủ tịch Raul Castro. Theo đó, bãi bỏ các quy định việc người Cuba phải được chính quyền cho phép trước khi đi nước ngoài. 

Tháng 1/2014: Cuba đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), một tổ chức được cho là thay thế Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), nơi tư cách thành viên của Cuba đã bị treo từ năm 1962 dưới áp lực của Mỹ. 

Đón đọc kỳ cuối: Bình thường hóa quan hệ là đòi hỏi tất yếu

Theo Thái Nguyễn