Nhìn lại nửa thế kỷ quan hệ Mỹ - Cuba
Ngày 17/12 được coi là một dấu mốc lịch sử đối với quan hệ Mỹ - Cuba khi hai bên chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm băng giá.
Quan hệ hai quốc gia láng giềng này đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt hơn nửa thế kỷ qua và được xem là một di sản điển hình của Chiến tranh Lạnh.
Kỳ 1: Di sản của cuộc đối đầu Đông - Tây
Quan hệ Cuba và Mỹ chính thức rơi vào tình trạng đối đầu từ năm 1959. Mặc dù chính quyền Mỹ trong suốt 50 năm qua đã liên tục áp đặt các biện pháp cứng rắn, trong đó có kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế, coi Cuba là quốc gia tài trợ cho khủng bố, nhưng về cơ bản đã không làm suy yếu được La Habana. Chính sách của Mỹ đối với Cuba trở nên mềm dẻo hơn kể từ khi lãnh tụ Fidel Castro chuyển giao quyền lực cho người em Raul Castro năm 2008 và ông Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ cũng trong năm đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận, vẫn là một con đường còn nhiều chông gai và khó có thể được triển khai trong ngắn hạn.
Binh lính Mỹ bị phía Cuba bắt giữ trong sự kiện vịnh Con Lợn.
Tình trạng đóng băng quan hệ giữa hai nước bắt đầu lên cao từ những năm 1960, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô với Mỹ và phương Tây. Năm 1959, lãnh tụ Fidel Castro và một nhóm nhà cách mạng đã lật đổ chính phủ độc tài Fulgencio Batista thân Mỹ, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân, mở ra một chương mới cho đất nước Cuba. Khi chính quyền mới của Cuba bắt đầu hình thành các thỏa thuận thương mại với Liên Xô, quốc hữu hóa các tài sản của Mỹ trên đất Cuba, nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, Washington đã đáp trả bằng việc leo thang các biện pháp trả đũa kinh tế. Tổng thống Mỹ thời bấy giờ Dwight D.Eisenhower đã ra lệnh giảm hạn ngạch nhập khẩu đường, ngành công nghiệp then chốt của Cuba. Sau đó, Mỹ đưa ra một lệnh cấm đối với hầu hết các mặt hàng xuất sang Cuba và Tổng thống John F.Kennedy đã mở rộng ra thành một lệnh cấm vận kinh tế toàn diện, trong đó có cả việc cấm du lịch sang quốc đảo này.
Đến đầu những năm 1960, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba và theo đuổi các chiến dịch ngầm nhằm lật đổ chính quyền của Chủ tịch Fidel Castro. Năm 1961, cuộc xâm lược trên vịnh Con Lợn - một nỗ lực được CIA hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền - càng tiếp thêm lửa cho chủ nghĩa yêu nước tại Cuba. Mất lòng tin nghiêm trọng đối với người láng giềng, La Habana quyết định cho Liên Xô xây dựng một căn cứ tên lửa trên hòn đảo này.
Mỹ phát hiện ra kế hoạch vào tháng 10/1962 và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra khi Mỹ cho các tàu của Hải quân phong tỏa hòn đảo, còn Tổng thống Kennedy yêu cầu phá hủy các cơ sở tên lửa. Cuộc khủng hoảng chỉ chấm dứt nhờ một thỏa thuận, theo đó các căn cứ tên lửa này sẽ được giải tán nếu Mỹ cam kết không xâm lược Cuba (và một thỏa thuận bí mật khác giữa Mỹ với Liên Xô về việc Mỹ nhất trí rút các tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ).
Kể từ sau các sự kiện trong năm 1961-1962, cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao trở thành công cụ chủ yếu trong chính sách của Mỹ với Cuba, và kéo dài tới cả giai đoạn sau khi Liên Xô đã sụp đổ. Mỹ tăng cường lệnh cấm vận bằng Đạo luật Dân chủ Cuba năm 1992 và Đạo luật Helms-Burton 1996, trong đó nêu rõ lệnh cấm vận sẽ không được gỡ bỏ “chừng nào Cuba chưa tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng và chuyển đổi sang một chính phủ dân chủ, không có sự góp mặt của gia đình Castro” (dự kiến Chủ tịch Raul Castro sẽ rời nhiệm sở vào năm 2018).
Không chỉ viện dẫn các lý do vô lý, Mỹ còn kêu gọi cải thiện tình hình nhân quyền và đưa ra nhiều đòi hỏi mang tính can thiệp nội bộ khác như tự do báo chí, tù nhân chính trị… Tuy nhiên, hơn một nửa thập kỷ bao vây cấm vận của Mỹ đã không thể khuất phục tinh thần cách mạng của người dân Cuba, thậm chí còn ảnh hưởng ngược đến quyền lợi của chính các doanh nghiệp và người dân Mỹ. Trước sức ép của dư luận quốc tế và trong nước, sau này, Mỹ đã có một số điều chỉnh nhất định liên quan tới lệnh cấm vận thương mại như cho phép các thiết bị y tế và sản phẩm nông nghiệp Mỹ được xuất sang Cuba với một số điều kiện. Trong những năm gần đây, các công ty ở nhiều bang của Mỹ đã có các thỏa thuận về nông nghiệp với Cuba. Dẫu vậy, thiệt hại kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ là vô cùng lớn. Chính phủ Cuba ước tính rằng hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 1.126 tỷ USD.
Mỹ và Cuba chưa có quan hệ ngoại giao chính thức và các lệnh trừng phạt nặng nề vẫn được áp dụng nhưng các cuộc tiếp xúc giữa hai nước đã gia tăng, một số lệnh cấm vận đã được lơi lỏng hơn dưới thời của Tổng thống Obama. Nếu như chính quyền tiền nhiệm đẩy mạnh lệnh cấm vận chống Cuba và kiên quyết giảm số lượng tiền mà những người Cuba di cư được gửi về gia đình (từ 3.000 USD xuống còn 300 USD năm 2004), thì trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Obama đã thay đổi hoàn toàn chính sách này. Ông thậm chí còn đi xa hơn khi cho phép chính các công dân Mỹ cũng được phép gửi tiền trợ cấp cho những người không gia đình tại Cuba và tới Cuba vì các mục đích giáo dục và tôn giáo. Chính quyền Obama cũng nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề nhập cư với Cuba năm 2009 (sau khi đã bị tạm hoãn dưới thời Tổng thống Bush). Các cuộc đàm phán 6 tháng một lần về nhập cư đã được chính thức nối lại trong năm 2013. Ngoài ra, những người Mỹ có gia đình sống tại Cuba được tự do đi về và không có giới hạn về số tiền mà họ có thể gửi về cho gia đình.
Đón đọc kỳ tới: Những mốc chính quan hệ Mỹ - Cuba
Theo Thái Nguyễn
Báo tin tức