1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhật ký Vũ Hán thổi bùng tranh cãi về cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc

(Dân trí) - Việc xuất bản cuốn Nhật ký Vũ Hán kể về trải nghiệm của nhà văn Phương Phương tại “tâm dịch” đầu tiên của thế giới đã thổi bùng nhiều tranh cãi về chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc.

Nhật ký Vũ Hán thổi bùng tranh cãi về cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc - 1

Nhà văn Phương Phương. (Ảnh: Global Times)

Nhà văn Phương Phương bắt đầu viết nhật ký Vũ Hán để ghi lại những câu chuyện xảy ra trong quá trình phong tỏa thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 1. Đây là nơi khởi phát dịch Covid-19 và cũng là tâm dịch đầu tiên trên thế giới.

Trong cuốn nhật ký, nhà văn Phương Phương đã chỉ trích cách chính quyền Trung Quốc ứng phó với dịch Covid-19.

“Có bao nhiêu người đã chết tại Vũ Hán và gia đình của họ bị tàn phá? Nhưng cho đến nay chưa có người nào nói lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm. Tôi thậm chí thấy một nhà văn dùng cụm từ “chiến thắng hoàn toàn”. Họ đang nói gì vậy?”, Phương Phương viết hôm 31/1.

Các bài viết của Phương Phương được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, tuy nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của các nhà kiểm duyệt. Tài khoản Weibo của nữ nhà văn, với hơn 3,8 triệu người theo dõi, đã bị khóa hồi tháng 2.

Tuy vậy, những bài viết của Phương Phương vẫn được lựa chọn để đưa vào một cuốn sách. Dự kiến cuốn sách này sẽ được nhà xuất bản Harper Collins xuất bản trong tháng 6 và sẽ được dịch ra hai ngôn ngữ Anh, Đức.

Theo Guardian, khi quyết định xuất bản sách bằng ngôn ngữ của các nước phương Tây, nhà văn Phương Phương bị cáo buộc giúp chính phủ nước ngoài công kích Trung Quốc, thậm chí trao cho họ “thanh gươm” để tấn công nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Phương Phương bị chỉ trích là đã góp tiếng nói vào làn sóng toàn cầu công kích cách ứng phó của Trung Quốc với đại dịch.

Nhật ký Vũ Hán được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang là tâm điểm của một chiến dịch chỉ trích trên truyền thông phương Tây. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh ngoại giao sức mạnh mềm để cải thiện hình ảnh của nước này trước cáo buộc che giấu số liệu và không xử lý kịp thời dịch bệnh.

“Nhật ký Vũ Hán là một con dao được trao cho người nước ngoài và là viên đạn bắn vào người Trung Quốc”, một người viết trên Weibo.

Một người khác bình luận: “Một phụ nữ chỉ viết các bài trên trang blog nhỏ của riêng cô ấy, mà không hề biết toàn bộ tình hình đất nước. Có lẽ cô ấy không chịu thừa nhận rằng cô ấy không yêu nước”.

Báo nhà nước Trung Quốc hồi tháng 4 từng bình luận về sự “hổ thẹn” khi nhà văn Phương Phương được ca ngợi trên truyền thông phương Tây, đồng thời cho rằng cuốn nhật ký của cô hoàn toàn “thiên vị và chỉ thể hiện mặt tối tại Vũ Hán trong khi phớt lờ những nỗ lực của người dân địa phương”.

Tranh cãi cả trong và ngoài Trung Quốc

Nhật ký Vũ Hán thổi bùng tranh cãi về cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc - 2

Ảnh chụp màn hình trang web của nhà xuất bản HarperCollins giới thiệu cuốn sách Nhật ký Vũ Hán. (Ảnh: Global Times)

Ngoài “cơn bão” chỉ trích trên mạng nhằm vào Phương Phương, giới chức Trung Quốc còn gây sức ép lên những trí thức ủng hộ nữ nhà văn. Ít nhất 2 người đã bị điều tra vì đưa ra những “bình luận không phù hợp”.

Ngày 26/4, Đại học Hồ Bắc thông báo sẽ điều tra Liang Yanping, một giáo sư ngành ngôn ngữ và văn học, vì đưa “phát biểu không phù hợp” lên mạng xã hội, một sự đề cập gián tiếp đến những bình luận của giáo sư này trên mạng xã hội để ủng hộ nhà văn Phương Phương. 

4 ngày sau đó, Đại học Hải Nam cũng đưa ra thông báo tương tự đối với Wang Xiaoni - một giáo viên nghỉ hưu của trường. Thông báo không nêu rõ vi phạm của người này là gì, nhưng được đưa ra sau khi nhà văn Phương Phương đăng lại một trong những bài viết của Wang về giáo sư Liang Yanping. Kể từ đó, Wang trở thành mục tiêu công kích trên mạng từ những người cáo buộc bà không yêu nước. 

Theo SCMP, việc xuất bản Nhật ký Vũ Hán cũng gây nhiều tranh cãi trong các cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài. 

Một nhóm WeChat của những người Trung Quốc sống ở Mỹ đã giải tán hồi tháng 3, sau khi các thành viên trong nhóm mâu thuẫn về cuốn nhật ký và không muốn nói chuyện với nhau nữa.

Wang Haotian, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học tại Mỹ và là thành viên của nhóm WeChat bị giải tán, ban đầu khen ngợi các bài viết của nhà văn Phương Phương, thậm chí so sánh với tác phẩm của những phóng viên ở tuyến đầu chiến trường. 

Tuy nhiên, Wang thay đổi quan điểm sau khi biết nhà văn Phương Phương chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Wang cho biết điều khiến anh thay đổi quan điểm là khi phát hiện những chi tiết không chính xác trong cuốn sách mà nữ nhà văn dự định xuất bản ở nước ngoài. 

Cuộc tranh cãi về Nhật ký Vũ Hán cũng diễn ra sôi nổi trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Hashtag “Phương Phương” trên Weibo nhận được hơn 940 triệu lượt xem và 276.000 bình luận. Phần lớn những bình luận gần đây đều tỏ thái độ thù địch với nữ nhà văn. 

Ye Tao, một người bán hoa quả ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết ông tức giận khi nghe tin Nhật ký Vũ Hán sẽ được xuất bản ở nước ngoài. 

“Tôi cực kỳ bất bình khi đọc lời giới thiệu phiên bản tiếng Anh của cuốn nhật ký trên mạng. Tôi không đồng tình với từng từ ngữ trong đó. Đó là tuyên bố của một kẻ phản bội”, Ye nói. 

Ye cho rằng cuốn sách sẽ tạo cho các nước phương Tây cái cớ để cáo buộc Trung Quốc xử lý dịch bệnh một cách yếu kém.

He Weheng, một sinh viên 19 tuổi ở Bắc Kinh, cho rằng người dân có thể chỉ trích chính phủ, nhưng phải vào thời điểm phù hợp.

“Đây không phải thời điểm phù hợp để chỉ trích chính phủ khi uy tín của chính phủ đang gặp nguy hiểm”, He nói, đồng thời cho rằng việc xuất bản Nhật ký Vũ Hán ở nước ngoài sẽ bị lợi dụng để “bôi nhọ” hình ảnh của Trung Quốc.  

Nhà văn Phương Phương không phải người duy nhất bị tấn công. Michael Berry, người dịch Nhật ký Vũ Hán sang tiếng Anh để xuất bản vào tháng 6 cũng trở thành mục tiêu công kích của dư luận. 

Trong lời giới thiệu Nhật ký Vũ Hán, hiệu sách trực tuyến Amazon viết rằng Phương Phương đã lên tiếng chống lại bất công xã hội, lạm dụng quyền lực và những vấn đề khác gây cản trở cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc ứng phó với dịch Covid-19, trong khi ca ngợi sự can đảm, bền bỉ và kiên trì của 9 triệu dân Vũ Hán.

Giới quan sát cho rằng việc “bắt nạt” nhà văn Phương Phương và những người ủng hộ bà trên mạng xã hội, cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc, có thể phản tác dụng. 

“Nếu chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc tiếp tục tăng tới mức cực đoan, trở thành tư tưởng bài ngoại, điều đó sẽ có hại cho sự hợp tác trong tương lai của Trung Quốc với thế giới”, Gu Su, giáo sư ngành triết học và chính trị tại Đại học Nam Kinh, nhận định.

Theo Worldometers, Trung Quốc cho tới nay ghi nhận 4.633 ca tử vong và 82.880 ca mắc Covid-19. Dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc nhưng hiện Mỹ và châu Âu là 2 vùng dịch lớn nhất, với số người chết và mắc bệnh đứng đầu thế giới.

Thành Đạt

Theo Guardian, SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm