Nhật Bản tính kiện Hàn Quốc ra toà án quốc tế
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nhật Bản hôm nay cho biết Tokyo có thể đề nghị Toà án công lý quốc tế (IJC) giải quyết một cuộc tranh cãi với Hàn Quốc xung quanh một quần đảo mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền ở biển Nhật Bản.
Một tàu chiến Hàn Quốc di chuyển gần quần đảo Takeshima/Dokdo.
Cảnh báo trên được ông Koichiro Gemba đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak có chuyến thăm bất ngờ tới quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo.
“Chúng tôi phải cân nhắc các biện pháp để giải quyết một cách hoà bình vấn đề tranh cãi dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có việc gửi đơn kiện lên IJC”, ông Gemba phát biểu trước báo giới.
“Chúng tôi có thể thực hiện bước đi trên trong tương lai không xa. Cho tới nay, chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc xem một hành động như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ giữa 2 nước”, Ngoại trưởng Nhật nói thêm.
“Nhưng chuyến thăm của Tổng thống Lee khiến cho những cân nhắc như vậy là không cần thiết. Chúng tôi phải đưa quan điểm của Nhật Bản ra cộng đồng quốc tế”, ông Gemba cho biết.
Ông Gemb đã có cuộc gặp với đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Masatoshi Muto, người đã bị triệu hồi về nước để phản đối chuyến thăm của Lee.
Nhiều người lớn tuổi tại Hàn Quốc vẫn chưa quên những ký ức đau buồn từ thời bị đế quốc Nhật thống trị từ 1910-1945. Các vấn đề lịch sử như Dokdo vẫn làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương, bất chấp mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa 2 nước và cùng chung mối lo ngại về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda gọi chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc là “rất tồi tệ”.
Vài giờ sau chuyến thăm của ông Lee, cửa chính bằng kính tại một văn phòng tổng lãnh sự Hàn Quốc ở Hiroshima đã bị vỡ bị ném gạch.
Cảnh sát bảo vệ toà nhà nghe thấy âm thanh kính vị vỡ vào khoảng 2h50 sáng sớm ngày 11/8 và nhìn thấy một chiếc xe máy phóng đi, kênh truyền hình NHK đưa tin, nói thêm rằng cảnh sát nghi ngờ vụ việc có liên quan tới chuyến thăm của ông Lee.
Nhật Bản có thể khó đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ra ICJ, vì toà án này yêu cầu phải có sự đồng tình giữa các bên tranh chấp để ICJ phân xử thì quyết định của tòa mới được thực thi.
Hàn Quốc đã bác bỏ các đề xuất tương tự từ phía Nhật Bản vào những năm 1950 và 1960 nhằm để ICJ giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Trần Hải
Theo AFP