1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản cố "giải mã" Tổng thống Philippines sau những phát ngôn thất thường

(Dân trí) - Một ngày sau khi Tổng thống Philippines nói rằng ông có kế hoạch ngừng các cuộc tuần tra trên biển với hải quân nước ngoài, chính phủ Nhật Bản đang cố gắng "giải mã" những phát ngôn thất thường của ông. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản vẫn hi vọng rằng quan hệ giữa Manila và Tokyo không bị ảnh hưởng vì sự thay đổi trong chính sách của Manila.


Tổng thống Philippines Duterte (Ảnh: conservativeangle)

Tổng thống Philippines Duterte (Ảnh: conservativeangle)

Khẳng định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là bình luận mới nhất trong hàng loạt phát ngôn cho thấy ông này sẽ xem xét lại các quan hệ an ninh của Philippines, bất chấp những khẳng định của các quan chức khác rằng không có sự thay đổi nào cả.

Hôm thứ Ba, ông Duterte phát biểu trước các binh sĩ rằng Philippines sẽ không còn tiến hành các cuộc tuần tra chung với Mỹ hoặc các quốc gia khác, viện dẫn nguy cơ gây xung đột trong các vùng biển tranh chấp. Mỹ đã bắt đầu các hoạt động như vậy trong năm nay, trước khi ông Duterte lên nắm quyền.

Tổng thống Philippines cũng cho biết, Manila có thể xem xét mua thiết bị quân sự từ Nga và Trung Quốc sau khi được chào mời các khoản vay mềm có thể trả sau nhiều năm. Ông cũng chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tới thăm cả hai nước này và xem xét khả năng đó.

Dù cho biết không có kế hoạch làm tổn hại quan hệ với Washington nhưng những bình luận trên được đưa ra sau khi ông Duterte cam kết “đuổi” đặc nhiệm Mỹ khỏi đảo Mindanao ở miền nam Philippines, nơi họ đã có mặt hơn một thập niên qua nhằm hỗ trợ chiến dịch chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/9 gọi các bình luận gần đây của ông Duterte là “không có ích lợi gì”, nhưng nói thêm rằng cam kết của Mỹ vẫn không thay đổi. “Chúng tôi vẫn tin vào tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này”, phát ngôn viên John Kirby nói.

Hôm qua, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho hay Tokyo và Washington “có chung mục đích” tại Philippines nhưng có cách tiếp cận khác nhau, vì có một số điều Manila chỉ có thể chấp nhận khi Nhật cung cấp cho họ.

“Mỹ và Nhật tiếp tục chia sẻ thông tin về tiếp tục hợp tác cùng nhau”, Japan Times dẫn lời quan chức trên. “Vì chúng tôi có chung mục đích nên chúng tôi chia sẻ vai trò của nhau”.

Washington và Tokyo đều cùng thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp để giải quyết tranh chấp hàng hải, thường trong các đề cập nhắm tới các tranh chấp cả ở Biển Đông và Hoa Đông.

Vào ngày 6/9, Tokyo đã nhất trí cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra cỡ lớn và cho Manila thuê 5 máy bay giám sát TC-90. Nhật Bản cũng đang cung cấp cho Manila 10 tàu tuần tra ven biển nhỏ hơn, với chiếc đầu tiên được bàn giao hôm 18/8.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã ca ngợi thỏa thuận mới nhất, nói rằng việc cung cấp sự hỗ trợ cho Philippines nhằm tăng cường các khả năng phòng thủ của chính Nhật Bản là rất quan trọng. Bà Inada có chuyến thăm Washington trong tuần này.

Trong khi đó, một chuyên gia phân tích về các vấn đề khu vực tại Philippines cho rằng việc ông Tổng thống Duterte quyết định ngừng các cuộc tuần tra hàng hải có thể dẫn tới sự cải thiện đáng kể quan trong quan hệ với Bắc Kinh.

“Ông ấy biết rằng nếu chúng tôi tiếp tục tuần tra, chúng tôi dẫu sao cũng không đòi lại được đảo mà lại chọc giận Trung Quốc”, Benito Lim, từ Đại học Ateneo de Manila, nói. “Trong khi đó, có nhiều thứ chúng tôi có thể hợp tác với Trung Quốc, như quan hệ thương mại và kinh tế”.

Sự tập trung lúc này đổ dồn vào việc quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila sẽ phát triển ra sao. Ông Lim tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đưa ra một thỏa thuận tránh câu hỏi về chủ quyền biển đảo.

“Có thể điều lớn nhất mà chúng tôi nhận được là đặt câu hỏi rằng liệu họ có cho phép ngư dân của chúng tôi có quyền đánh bắt tại những nơi đó hay không”.

Ông Lim thì cho rằng vì Nhật và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của Philippines nên cả hai nước không nên lo ngại về việc ông Duterte muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. “Nó liên quan tới kinh tế và đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi”.

An Bình